Trên lưu vực sông Sê San hiện có hệ thống 7 công trình thủy điện lớn, nhỏ. Sau quá trình ngăn dòng, các vùng lòng hồ rộng lớn tạo nên những “viên ngọc bích” giữa cao nguyên xanh. Trong số này, lòng hồ Ia Ly, Sê San 3A, Sê San 4 là những nơi có cảnh quan tuyệt đẹp, có thể khai thác du lịch hiệu quả.
Sáng sớm, đoàn chúng tôi gồm hơn 10 người nai nịt gọn gàng, trang bị áo phao đầy đủ rồi lên một thuyền máy ở bến đò thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) bắt đầu cuộc hành trình. Hơi sương vẫn còn bảng lảng mặt hồ, xa xa những dãy núi lam thẫm mờ.
Hồ thủy điện Ia Ly nằm trên địa bàn 2 huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Không gian rộng lớn với diện tích mặt hồ lên đến 6.450 ha khiến cả đoàn không khỏi ngỡ ngàng. Ai cũng phấn chấn khi mặt nước trải ra như vô tận, giải phóng tầm mắt vốn bị bó buộc trong không gian chật hẹp suốt mùa dịch Covid-19. Có lúc thuyền tăng tốc rẽ nước, bỏ lại vệt đuôi kéo dài sóng tung trắng xóa. Có đoạn, theo yêu cầu của trưởng đoàn, thuyền tắt máy để trôi tự do, lắng nghe thanh âm trong tĩnh lặng và ngắm mặt hồ màu ngọc bích ngời lên dưới nắng.
Cảnh sắc tươi xanh hai bên bờ lần lượt lướt qua theo tiếng thuyền máy xình xịch. Và rồi đập thủy điện Ia Ly hiện ra sừng sững, biểu tượng của tài năng, sức mạnh, khối óc con người trước thiên nhiên, tạo ra nguồn điện năng phục vụ đời sống. Vài người trong đoàn tranh thủ chụp ảnh, quay phim để thu về những khoảnh khắc đáng nhớ.
Khi đập thủy điện lùi lại phía sau cùng những con sóng, lòng hồ vẫn mở ra bao điều để khám phá, cảm nhận. Đó là cảnh sống yên bình của những ngư dân chèo thuyền đi thả lưới, đánh bắt thủy sản. Xa xa là mấy tấm rớ lớn căng mình, chờ khi tắt nắng sẽ thả xuống để bắt cá. Gió lộng lùa mặt hồ mênh mông, phả hơi nước mát lạnh, xua đi cái nắng nóng khi mặt trời lên cao dần. Chị Trần Thị Ánh-du khách đến từ TP. Hải Phòng thích thú chia sẻ: “Thật thú vị khi được trải nghiệm khung cảnh mênh mông giữa lòng hồ như thế này. Rất nên thơ, hữu tình. Tôi sẽ giới thiệu để bạn bè, người thân đến tham gia chương trình trải nghiệm này”.
Sau hơn 1 giờ lênh đênh, thuyền chúng tôi ghé vào một đảo nhỏ nổi lên giữa mặt hồ, có tên đảo Dầu. “Chúa đảo” Nguyễn Thái Bình vui vẻ đón đoàn. Anh cho hay, mùa nước lên, diện tích đảo chỉ còn khoảng 2.000 m2, nhưng mùa nước rút thì… mênh mông. Làm nghề đánh bắt thủy sản đã nhiều năm, từ lâu, anh lấy khoảnh đất nhỏ giữa lòng hồ này làm nơi trú chân. Khi thấy lượng khách du lịch tham quan lòng hồ tăng lên, anh đưa vợ con ra cùng cải tạo để đảo xanh tươi, tươm tất hơn và làm dịch vụ nấu nướng phục vụ du khách. Đến nay, đảo đã hình thành một ngôi nhà tạm nhưng rộng rãi, xung quanh rải rác hoa hồng, hoa ngũ sắc rực rỡ. Nhiều đoàn đã ghé đảo tham quan, ăn uống, có đoàn lên đến 50 người.
Sau khi nghỉ chân, chúng tôi tiếp tục xuống thuyền, hướng về bến đò xã Ia Chim (TP. Kon Tum). Một chiếc xe 16 chỗ đã chờ sẵn đón cả đoàn về trung tâm thành phố thăm thú những điểm đến nổi tiếng tại đây. Tiếp đó, đoàn quay về Gia Lai bằng đường bộ, kết thúc một tour đầy lý thú sau khi ghé vào chụp ảnh lưu niệm tại suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly).
Nghỉ lại một đêm ở khu farmstay Sâm Phát Ia Ly (thị trấn Ia Ly), hôm sau, cả đoàn lại khởi hành đến xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. Dừng chân nơi chót vót đỉnh đèo, chúng tôi thu trọn vào tầm mắt xung quanh cảnh mây núi mênh mang và toàn cảnh thị trấn bên dưới. Đây là một trong những điểm đến dự kiến kết nối với tour du lịch lòng hồ nhằm tạo sự đa dạng. Từ đây, chúng tôi đi thêm hơn chục cây số đến một bến đò trên địa bàn xã để tiếp tục khám phá lòng hồ thủy điện Sê San 3A và Sê San 4.
Phải nói rằng lòng hồ thủy điện Sê San 3A thật sự hấp dẫn, cây cối đôi bờ xanh tươi, đẹp như một bức tranh. Trên những cù lao nổi lên giữa hồ, người dân cũng đã khai thác làm du lịch. Tiếp chuyện chúng tôi cạnh ngôi nhà sàn gỗ bao quanh bởi cây trái, ngư dân Huỳnh Tèo cho hay: Nhiều đoàn khách ghé qua đây nghỉ chân, uống nước hoặc nhờ nấu món ăn. Tất nhiên là anh sẵn lòng.
Sau khi thuyền cập bờ vào địa phận xã Ia Khai (huyện Ia Grai), chúng tôi di chuyển thêm gần 30 cây số nữa để đến bến thuyền xã Ia O thăm thú lòng hồ thủy điện Sê San 4. Chiếc thuyền máy chắc chắn, có trang bị đầy đủ áo phao cho du khách của anh Nguyễn Văn Triều đã chờ sẵn. Chúng tôi lướt đi trên mặt nước mênh mông rộng hơn 5.100 ha với tất cả sự dễ chịu, háo hức. Sau 15 phút, mũi thuyền hướng về một làng chài dập dềnh trên sóng nước rồi cập vào “nhà hàng nổi” Hai Triều.
Anh Triều kể, anh cùng gia đình ở tỉnh An Giang lên đây mưu sinh từ năm 2016. Hiện làng chài có tổng cộng 35 hộ, trong đó phần lớn gốc gác miền Tây Nam Bộ, còn lại đến từ tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngoài khai thác nguồn thủy sản tự nhiên từ lòng hồ như: cá lăng, cá anh vũ, cá sọc dưa, cá mè… người dân còn làm thêm lồng bè nuôi cá. Trong số này, 4 gia đình mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Chúng tôi thích thú tìm hiểu cuộc sống làng chài, học cách làm, phơi bánh tráng cá cơm sông Sê San, thưởng thức nhiều món ngon từ các loài cá đặc sản. Cuối chiều, khách thu nhặt thêm cảm xúc thật trong trẻo khi ngắm ánh vàng lóng lánh đổ trên mặt hồ buổi hoàng hôn.
Nhưng chưa phải đã hết. Từ làng chài nếu cưỡi sóng thêm một đoạn nữa sẽ gặp điểm đến hấp dẫn khác là thác Mơ và bến đò A Sanh (xã Ia Khai), có thể kết nối vào tour tuyến. Song vì đã khá muộn nên đoàn đành quay về Pleiku, hẹn khảo sát vào dịp khác.
Tiềm năng, lợi thế từ du lịch lòng hồ thủy điện đã rõ, nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp tham gia khai thác; khách du lịch đến tham quan chủ yếu vẫn tự phát. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-thông tin: Nhiều năm trước, một vài đơn vị làm du lịch tại Gia Lai và Kon Tum bắt tay khai thác du lịch lòng hồ nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do lượng khách không ổn định, chương trình tour kém đa dạng nên không tạo được sức hút lâu dài.
Là người mạnh dạn đưa ra ý tưởng tổ chức chuyến khảo sát du lịch lòng hồ, ông Nguyễn Chất Sâm-chủ farmstay Sâm Phát Ia Ly-chia sẻ: 3 năm qua, ông đã đầu tư 13 tỷ đồng biến vùng đất hoang cằn rộng 15 ha tại thị trấn Ia Ly thành khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch nông nghiệp (hiện farmstay có 1.500 cây sầu riêng, 1.500 cây mít Thái và nhiều loại cây trái khác). Với nỗ lực đầu tư, chăm chút, diện mạo khu du lịch đang dần hoàn thiện, đủ chiều lòng du khách. Điểm đến này có thể bao quát toàn cảnh đập thủy điện Ia Ly hùng vĩ. Tuy nhiên, nếu chỉ là một điểm lưu trú đơn lẻ thì không dễ tạo sức hút. Do vậy, nắm bắt nhu cầu của khách du lịch, ông Sâm phối hợp với một công ty du lịch ngoài tỉnh khảo sát để mở tour lòng hồ mà điểm khởi hành, nơi lưu trú chính là farmstay Sâm Phát Ia Ly.
Trao đổi thêm xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thành-Giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Family Tour (TP. Hải Phòng) khẳng định đây là tour rất hấp dẫn, cần đưa vào khai thác. “Trong tháng 4-2022, chúng tôi sẽ mở văn phòng chi nhánh tại TP. Pleiku. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai và Kon Tum có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, nhiều điểm nhấn du lịch đặc sắc. Thêm vào đó, giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường hàng không. Đó là lý do tôi mạnh dạn kết nối, khai thác du lịch tại đây”-ông Thành hào hứng cho biết.
Ngay cả ngư dân Nguyễn Thái Bình cũng ý thức rất rõ cơ hội từ phát triển du lịch. Anh vừa đăng ký thành lập Hợp tác xã Thành Tâm gồm 7 thành viên, góp vốn hơn 200 triệu đồng chuyên nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. “Chúng tôi hy vọng có thể kết nối với các đơn vị làm du lịch, đón những đoàn khách lớn hơn, phục vụ chuyên nghiệp hơn… Muốn vậy phải đầu tư quy củ, làm cổng ngõ, trồng thêm cây xanh, có chỗ cho khách cắm lều trại. Tóm lại là phải nhìn cho được con mắt!”-anh Bình hào hứng bộc bạch.
Rõ ràng, Gia Lai không chỉ đầy thu hút với các loại hình du lịch văn hóa-lịch sử, trekking, mạo hiểm, sinh thái mà còn nhiều tiềm năng, trong đó có du lịch “hồ trên núi”. Vì thế, câu chuyện này cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương, sở ngành liên quan cũng như nỗ lực tìm tòi, mở ra những tour tuyến mới của các doanh nghiệp làm du lịch.