Longform

Ngàn thông xanh Phố núi

E-magazine Ngàn thông xanh Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng ông Đoàn Ngọc Sơn-cựu cán bộ Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) vẫn nhớ như in quãng thời gian tham gia trồng thông ở Pleiku. Ông Sơn hồi nhớ: Năm 1978, từ Hà Nội, ông được điều chuyển vào Gia Lai làm việc tại Trạm Cơ giới trồng rừng Tây Nguyên, tiền thân của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới. Khi đó, đơn vị được giao trồng 500 ha rừng ở phường Trà Bá, Chi Lăng bây giờ. Ông nhận nhiệm vụ giám sát công nhân trồng rừng. Và thông là cây được chọn để trồng ở vùng này.

 
 

Nhắc lại những ngày góp mặt trong “đoàn quân” trồng thông phủ xanh TP. Pleiku, nguyên Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Trần Văn Con chia sẻ: “Tôi chuyển vào đây công tác từ năm 1986 với cương vị là Trạm phó Trạm Cơ giới trồng rừng Tây Nguyên. Hồi đó, để tránh bị FULRO giết hại, khi trồng cây, cả công nhân và cán bộ đều mặc quần áo bộ đội. Việc chăm sóc cây thông mới trồng cũng không dễ dàng gì. Có khi cả héc ta cây chết khô do nắng, đất đai kém màu mỡ hoặc bị phá hoại”.

Để có những cánh rừng thông xanh ngút ngàn như hôm nay ở quanh TP. Pleiku, không thể không nhắc đến công lao của cán bộ, nhân viên Lâm trường Thanh niên xung phong Gia Lai. Ông Trương Minh Hải-Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP. Pleiku, nguyên Giám đốc Lâm trường Thanh niên xung phong Gia Lai-hồi nhớ: “Trong 2 năm 1993-1994, chúng tôi đảm nhận nhiệm vụ trồng hơn 900 ha rừng phòng hộ ở gần núi Hàm Rồng, xã Gào và Ia Kênh. Hai loại cây chính được trồng là thông và keo. Lực lượng trồng rừng là cư dân sinh sống gần đó, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi phải nhiều lần lặn lội vào làng vận động thì mới có nhân công. Có lần, đang cuốc hố gặp mấy quả đạn M79 còn sót lại ở gần núi Hàm Rồng, người dân bỏ về hết. Khi nhờ bộ đội lên tháo gỡ đạn xong, chúng tôi lại vào làng vận động bà con. Để bảo vệ rừng thông mới trồng khỏi bị phá hoại và lấn chiếm, chúng tôi dựng lều, cử nhân viên xuống ăn ở tại chỗ. Nhiều anh em vào đó gác rừng bị ốm do khí hậu khắc nghiệt”. 

 

Từng cuốc hố trồng thông quanh thắng cảnh Biển Hồ, ông Quách Trọng Hoan (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) không nén được nỗi xúc động khi ôn lại chuyện cũ. Đó là những lần gạt từng mảnh bom, hố đạn ở quanh Biển Hồ mà đào hố trồng thông. Còn chuyện thân thể bị thương do sơ ý lúc phát dọn cây cối, cuốc đất cũng là thường tình. Có lần, ông Hoan gặp tình cảnh éo le, như ngồi trên đống lửa khi số tiền để chi trả cho nhân công bị mất, cũng may sau đó kẻ trộm động lòng trắc ẩn đã trả lại khoản tiền này. 

 
 
 

Trưa tháng 4 rực nắng. Dưới tán rừng thông cao lớn, xanh rì của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (phường Chi Lăng), một nhóm bạn trẻ đang chơi đùa vui vẻ. Ngàn cây tỏa bóng mát và cách xa khu dân cư là một địa điểm lý tưởng cho hoạt động dã ngoại của nhóm.

Từng sinh sống tại ngôi biệt thự cổ ở trong rừng thông cạnh làng Ngol Tả (phường Chi Lăng) làm công tác nghiên cứu khí tượng, địa chất và trồng thông, ông Trương Văn Luận-Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-khẳng định: Những cánh rừng thông có giá trị rất lớn trong việc điều hòa khí hậu cho TP. Pleiku. Còn theo Tiến sĩ Trần Văn Con và ông Trương Minh Hải thì thành công lớn nhất của việc trồng thông thời trước là giúp phủ xanh đồi trọc, tạo môi trường sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Phố núi. 

 

Bách bộ dưới tán rừng thông xanh gần nhà, ông Quách Trọng Hoan thấy tự hào khi đã nhận khoán trồng mấy chục năm trước. Đôi bàn tay chai sạn của ông cùng nhiều người khác đã góp công cho Biển Hồ thêm sắc xanh. Chỉ vào một cây thông có đường kính gốc 50-60 cm, ông Hoan hồ hởi: “Sau giải phóng, quanh hồ chủ yếu là cỏ đuôi chồn. Vì thế nên khí hậu thời đó rất nóng nực. Từ khi thông lớn, nơi này trở nên vô cùng mát mẻ, khí hậu ôn hòa. Chim muông kéo về làm tổ. Ở trong rừng thông cũng có mấy con khỉ sinh sống. Chúng leo trèo, nhảy nhót từ cây này sang cây khác, vui mắt lắm. Mấy năm nay, thấy các gia đình chở nhau ra rừng thông nghỉ ngơi thư giãn, tôi thấy vui vì đã góp công tạo nên khoảnh rừng này”.

 

 
 

Có thể bạn quan tâm