Việc Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập liên minh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận được phản ứng trái chiều từ các nước.
Lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia thông báo lập liên minh AUKUS. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, Australia ngày 16.9 cho biết sẽ tìm cách phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Australia sẽ là quốc gia thứ hai sau Anh được Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 1958.
"Thế giới của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở đây trong khu vực của chúng ta, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để đáp ứng những thách thức này, để giúp mang lại an ninh và ổn định mà khu vực của chúng ta cần, giờ đây chúng ta phải đưa quan hệ đối tác của mình lên một tầm cao mới" - Thủ tướng Scott Morrison nói.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hoan nghênh việc tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng cho biết các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép hoạt động trong vùng lãnh hải của nước này theo chính sách không có hạt nhân từ lâu.
"Tôi rất vui khi thấy các đối tác mà chúng tôi hợp tác chặt chẽ đã hướng đến khu vực của chúng tôi. Nhưng tàu ngầm hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép đi vào lãnh thổ New Zealand theo chính sách không có hạt nhân ban hành năm 1984" - Thủ tướng Ardern nói.
Theo Thủ tướng New Zealand, AUKUS không phải thỏa thuận cấp độ hiệp ước, do đó, sẽ không có sự thay đổi nào đối với mối quan hệ hiện nay của liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) gồm Anh, Australia, Canada, Mỹ và New Zealand, cũng như quan hệ đối tác chặt chẽ giữa New Zealand và Australia về mặt quốc phòng.
Trong khi đó, Pháp lên tiếng trách cứ Australia về việc huỷ bỏ thoả thuận đóng tàu ngầm với nước này. Ngày 16.9, Thủ tướng Australia Scott Morrison xác nhận Australia sẽ không tiếp tục thỏa thuận tàu ngầm trị giá khoảng 40 tỉ USD với Pháp, thay vào đó Canberra sẽ đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly lấy làm tiếc vì quyết định trên, đồng thời cho rằng việc Mỹ quyết định gạt một đối tác và là đồng minh Châu Âu như Pháp ra khỏi quan hệ đối tác với Australia tại thời điểm nhiều thách thức chưa từng có trong tiền lệ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy sự thiếu chặt chẽ.
Để xoa dịu Paris, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Pháp là “một đối tác và đồng minh chủ chốt trong chiến lược củng cố an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Mỹ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Pháp và các quốc gia chủ chốt chốt khác khi cùng tiến về phía trước”.
Nhà thầu quốc phòng Naval Group của Pháp cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Australia bởi tuyên bố của Thủ tướng Morrison làm tiêu tan hợp đồng trị giá hàng tỉ USD của Naval Group với Australia về việc đóng mới 12 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Attack.
Singapore cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long nói với người đồng cấp Scott Morrison trong một cuộc điện đàm rằng, Singapore có quan hệ lâu đời với Australia, Anh và Mỹ, đồng thời hy vọng nhóm mới "sẽ đóng góp một cách tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và bổ sung cho cấu trúc khu vực".
Thủ tướng Australia Morrison cũng đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với nhóm Bộ Tứ bao gồm cả Mỹ, Australia và Ấn Độ, cũng như ASEAN và Châu Âu, để đạt được một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Ông Kato phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Việc tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và an ninh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Về phần mình, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích AUKUS, đồng thời cho rằng Mỹ, Anh và Australia nên “từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ".
https://laodong.vn/the-gioi/cac-nuoc-phan-ung-viec-my-anh-australia-lap-lien-minh-moi-954326.ldo
Theo NGỌC VÂN (LĐO)