Tin tức

Campuchia: Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh do ổ dịch tại các ngôi chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sự lây lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tại Campuchia đang tăng nhanh liên quan đến ổ dịch các ngôi chùa tại thủ đô Phnom Penh và mới nhất là Battambang, nơi có tới 43% nhà sư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với đó là “điểm nóng” COVID-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia ngày 28/9 ra thông cáo xác nhận có thêm 26 người tử vong và 866 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 83 ca nhập cảnh và 783 ca lây nhiễm cộng đồng.

Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia ở trên mức 800 ca và là mức cao nhất kể từ ngày 16/7.

Như vậy tính đến ngày 28/9, Campuchia phát hiện tổng cộng 110.792 ca mắc COVID-19, trong đó 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 người tử vong.

Sự lây lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear, đặc biệt là sau khi biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại ngày 13/8, khiến lao động di cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan về nước.

Trả lời phỏng vấn báo Khmer Times, Tỉnh trưởng tỉnh Battambang Ngoun Rattanak ngày 27/9 nói rằng số ca nhiễm biến thể Delta tại tỉnh này chủ yếu là lao động di cư trở về nước, trong khi các ca lây nhiễm cộng đồng cũng tăng nhanh mỗi ngày.

Tính đến nay số ca nhiễm biến thể Delta ở Battambang là 300 ca, trong khi con số tương ứng ở Siem Reap vào khoảng 400 ca.

Cùng ngày, Chính phủ Campuchia đã đề xuất một chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” như là một trong những chiến lược nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai.

Phát biểu nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9 với chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm,” Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định nước này sẽ là điểm đến an toàn cho mọi người ngay khi mở cửa trở lại đón du khách nhờ những nỗ lực hết mình của chính phủ nhằm tiêm chủng cho gần như toàn bộ người dân trong nước.

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia nhấn mạnh rằng bất chấp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng toàn cầu và sự bất ổn trong tương lai, Campuchia đã vạch ra những chiến lược then chốt kịp thời cùng các nỗ lực tiêm chủng và tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn làm nền tảng cho việc từng bước tái mở cửa nền kinh tế và các hoạt động xã hội trong “trạng thái bình thường mới.”

Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 91% trong tổng dân số 16 triệu người.

Tính đến ngày 26/9/2021, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã có 82,03% dân số được chủng ngừa.

Với kết quả này, Thủ tướng Hun Sen tự tin khẳng định Campuchia sẽ được coi là nơi đảm bảo an toàn và giành lại niềm tin của cả du khách trong và ngoài nước. Trong quý 4/2021, Campuchia dự kiến mở cửa trở lại cho các du khách đã tiêm chủng đủ liều.

Maldives mở cửa biên giới để khôi phục kinh tế

Trong khi đó, ngày 28/9, Bộ trưởng Du lịch Maldives, ông Abdulla Mausoom tuyên bố mở cửa trở lại biên giới là bước đi quan trọng nhằm phục hồi kinh tế.

Phát biểu nhân Ngày Du lịch thế giới, Bộ trưởng Mausoom nhấn mạnh với việc mở cửa trở lại các biên giới, chính phủ đặt ưu tiên thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương vốn tạo thu nhập và việc làm cho người dân nước này. Ông cho biết chính phủ sẽ cho phép nối lại dịch vụ homestay từ tháng 1/2022.

Trong tháng Chín vừa qua, lượng du khách đến Maldives đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và chính phủ ước tính đến cuối năm nay, số du khách nước ngoài là khoảng 1,3 triệu lượt người.

Do đại dịch COVID-19 hoành hành, trong năm ngoái, Maldives đã đóng cửa hoàn toàn biên giới trong 3 tháng và mở cửa trở lại vào tháng 7/2020. Đến tháng 5/2021, nước này không cho phép du khách từ các nước Nam Á nhập cảnh và hủy lệnh này vào ngày 15/7 vừa qua.

Theo Trang Nhung-Văn Khoa-Trần Long (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm