Thời sự - Bình luận

Cảnh giác nạn giả danh phóng viên trấn lột dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lợi dụng dịp Tết, nhiều người giả danh phóng viên tìm đến các cơ quan, doanh nghiệp để vòi tiền, thậm chí là tống tiền. Nếu gặp trường hợp này, cứ mạnh dạn gọi công an dẫn về đồn, đó là cách tốt nhất để trị nạn này.

 

Đối tượng Bùi Văn Nam bị Công an Ninh Bình bắt vì giả danh nhà báo cưỡng đoạt 200 triệu đồng. Ảnh: NT


Ngày 25.1, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt quả tang 3 người gồm: Hà Thị Mỹ Dung (41 tuổi) và Võ Thị Thùy Duyên (39 tuổi) đang nhận phong bì 10 triệu đồng của một công ty bất động sản tại TP. Quảng Ngãi. Đi cùng 2 đối tượng này còn có Võ Văn Diện (49 tuổi).

Hà Thị Mỹ Dung và Võ Văn Diện sử dụng 2 giấy "chứng nhận phóng viên" (cùng số 977, do Tạp chí M cấp cùng ngày 1.1.2021, giá trị thẻ đến ngày 31.12.2021).

Các đối tượng trên sử dụng giấy chứng nhận phóng viên không có giá trị để đi xin tiền doanh nghiệp, hay nói đúng hơn là một cách tống tiền. Bởi vì theo chủ doanh nghiệp, trước đó, nhóm này từng xin tiền đổ xăng, uống cà phê... Vậy thì không tống tiền, trấn lột doanh nghiệp thì là gì?

Hành vi vi phạm của những người này quá rõ, cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý. Từ vụ này, có hai việc cần bàn cho rõ.

Đó là tại sao lãnh đạo Tạp chí M lại cấp một loại giấy chứng nhận phóng viên không đúng quy định? Cấp giấy chứng nhận như vậy là "nối giáo cho giặc", là đưa "vũ khí" cho những kẻ gian đi trấn lột.

Cần có quy định nếu lãnh đạo cơ quan báo chí cấp giấy không đúng quy định, tạo điều kiện cho kẻ gian đi trấn lột cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì lãnh đạo cơ quan báo chí đó sẽ bị kỷ luật. Đây là cách để quản lý các cơ quan báo chí, hạn chế tối đa tệ nạn giả danh phóng viên nhũng nhiễu cộng đồng xã hội hiện nay.

Việc thứ hai, các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp không nên tiếp xúc và chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của các loại phóng viên "dỏm" này. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cấp duy nhất một loại thẻ nhà báo, công khai mẫu thẻ trên các kênh thông tin, cần nhận biết để so sánh với các loại thẻ giả, giấy chứng nhận không đúng quy định.

Nếu có các trường hợp tự xưng phóng viên đến trấn lột, đề nghị cứ gọi cho công an như doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Ngãi đã làm.

Đừng bao giờ sợ kẻ xấu và nương tay với chúng. Nếu cứ chấp nhận đưa tiền thì bọn chúng sẽ lấn tới, phá hoại xã hội và làm ảnh hưởng đến người làm báo chân chính.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/canh-giac-nan-gia-danh-phong-vien-tran-lot-dip-tet-874217.ldo


Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm