Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi những rào cản cuối cùng được tháo bỏ.
Nhưng điều quan trọng lúc này là phải xây dựng được những sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường sau dịch, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương, chứ không nên dàn đều cùng tiến.
Có thể nhận thấy một điểm chung là sản phẩm du lịch của nhiều địa phương hiện vẫn khá đồng dạng, chiến lược mở cửa hầu hết vẫn là nâng cấp trên nền tảng cũ và thêm chương trình giảm giá kích cầu, tặng quà cho du khách hay đón tiếp trọng thị... Những điều này luôn cần thiết, nhưng chưa đủ. Thậm chí nếu không khéo, chúng ta lại cho ra một loạt sản phẩm na ná, gây nhàm chán cho du khách.
Họ, sau đó sẽ rút kinh nghiệm, chọn đến một nơi, coi như đã trải nghiệm cả một miền, một vùng mà không đến các địa phương khác nữa. Vấn đề này đã được đặt ra ở nhiều hội nghị, hội thảo về du lịch trước đây. Đơn cử tại Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL năm 2019, nhiều đại biểu tham dự thừa nhận, du khách tới TP.HCM rất muốn trải nghiệm miền Tây, thế nhưng các sản phẩm du lịch của nhiều địa phương bị trùng lặp. Đến đâu thì đặc sản vẫn là chèo ghe, tham quan vườn cây sinh thái, đờn ca tài tử... nên du khách chỉ cần chọn đến 1 - 2 tỉnh thành là đủ, không cần đến những nơi khác nữa. Vấn đề này nếu không cải thiện, không chỉ khiến việc thu hút khách thiếu hiệu quả mà còn là sự lãng phí rất lớn.
Bởi thực tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng cả về mặt tự nhiên lẫn văn hóa. Mỗi vùng miền đều có những đặc điểm riêng, rất lợi thế để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch với những nét đặc thù không lẫn lộn với nhau. Ví dụ, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước nên có ưu thế để phát triển dịch vụ, thương mại, giải trí. Đề xuất cho mở casino ở những khách sạn từ 5 sao trở lên hay xây dựng các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn cho du khách quốc tế, tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật dân gian... được coi là một “vũ khí” khai thác kinh tế đêm hiệu quả và là hướng đi đúng. Chứ nếu cạnh tranh du lịch biển, núi thì TP.HCM chắc gì đã có cửa với nhiều địa phương khác. Mà cứ đến TP.HCM tham quan rồi về... ngủ, riết thì TP sẽ chỉ còn là nơi trung chuyển, thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của du khách sẽ ngày càng giảm đi. Tương tự, nhu cầu du lịch sau dịch cũng có nhiều thay đổi. Các tour nghỉ dưỡng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh, sinh thái... lên ngôi. Chúng ta phải cập nhật để bán cái khách cần thay vì cái mình có.
Sau hơn 2 năm đối mặt với dịch bệnh, các nước trong khu vực và trên thế giới đều đang mở toang cánh cửa du lịch để nền kinh tế lấy sức bật phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nên không chỉ là cạnh tranh giữa các quốc gia mà ngay chính các tỉnh thành trong cả nước cũng phải cạnh tranh thu hút khách tới với mình. Khai thác lợi thế, đặc thù, cập nhật xu hướng, nhu cầu là điều không thể thiếu khi xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Muốn hiệu quả, phải cạnh tranh bằng sự khác biệt.
Theo Niên An (TNO)