Xã hội

Gia đình

Câu lạc bộ "Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng": Tích lũy để thay đổi cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điểm sáng trong phong trào thi đua của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh là hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Mục tiêu của mô hình này là giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ trong chi tiêu, hình thành thói quen biết tích lũy. Đến nay, phong trào thực hành tiết kiệm đã lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội với nhiều nội dung bám sát đời sống hội viên.
“Tiết kiệm hôm nay, tươi sáng ngày mai”
Đặc thù của chi hội Phụ nữ làng Plei Pa Ama Lim (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) là có 100% người dân tộc Jrai, trong đó có 25% hộ nghèo. Từ trước đến nay, phụ nữ DTTS không có thói quen ghi lại các khoản chi tiêu trong gia đình, chưa xây dựng thói quen tiết kiệm. Từ thực tế đó, năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã chọn Plei Pa Ama Lim làm điểm để triển khai Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 10 hội viên tham gia.
Sau khi thành lập, cán bộ Hội đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên cách ghi chép vào sổ tay hàng ngày các khoản cần chi, khoản cần để dành, cách sắp xếp tài chính trong gia đình. Chị R’Ô Hyoan-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Mố-cho hay, Hội vận động chị em tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 10.000-50.000 đồng, tùy điều kiện từng hộ với khẩu hiệu “Tiết kiệm hôm nay, tươi sáng ngày mai”. Kết quả là các gia đình đã tiết kiệm trung bình từ 500.000 đến 900.000 đồng/tháng để lo cho con cái học hành, mua phân bón, đầu tư chăn nuôi, mua vật dụng cần thiết trong gia đình mà không phải đi vay, tránh tình trạng tiêu trước trả sau. Đến nay, mô hình tiết kiệm của chi hội Phụ nữ làng Plei Pa Ama Lim đã có thêm 5 thành viên tham gia, trở thành điểm sáng của phong trào phụ nữ giúp nhau thực hành tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo. Chị R’Ô Hyoan đánh giá: “Với mô hình này, chúng tôi đặt mục tiêu 100% hội viên không đi vay nặng lãi dưới mọi hình thức. Thành công của mô hình là đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của hội viên về tiết kiệm, cân bằng thu chi tài chính trong gia đình chứ không đơn thuần là để dành được bao nhiêu tiền”.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 128 Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Ảnh: M.C
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 128 Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Ảnh: M.C
Từ thành công của mô hình đầu tiên ở Plei Pa Ama Lim, đến nay, huyện Ia Pa đã nhân rộng được 5 Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với trên 100 thành viên, góp phần thay đổi nếp nghĩ của những chủ gia đình theo chế độ mẫu hệ. Chị Ksor H’Che-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Nhiều gia đình luôn trong tình trạng “ăn trước trả sau” nên vận động họ thay đổi thói quen để biết cách dành dụm là một quá trình kiên trì vận động. Ngoài mô hình trên, Hội LHPN huyện còn có các hình thức khác như: tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng, nuôi heo đất, gây quỹ bằng hình thức lao động tập thể và trích lại 30% cho hội viên khó khăn vay không tính lãi, hình thành 52 tổ tiết kiệm xoay vòng... Từ các mô hình trên, trong 5 năm qua, Hội đã giúp trên 1.100 hộ gia đình hội viên, phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Tránh xa “tín dụng đen”
Huyện Krông Pa từng là một trong những địa bàn “nóng” về vấn nạn “tín dụng đen”. Không kiểm soát được chi tiêu, không có tiền tích lũy, nhiều gia đình buộc phải tìm đến hình thức vay tiền với lãi suất cao để đầu tư sản xuất, lo cho con cái học hành hay giải quyết tức thời tình huống ngặt nghèo. Lãi mẹ đẻ lãi con càng khiến các gia đình lâm vào tình cảnh túng bấn. Trước thực trạng này, Hội LHPN xã Đất Bằng đã xây dựng điểm mô hình “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại buôn Ơi Khẳm (nay là buôn Ia Rnho) nhằm thay đổi nhận thức của hội viên về thực hành tiết kiệm, từ đó xóa đói giảm nghèo, tránh xa “tín dụng đen”.
 Nhiều phụ nữ DTTS đã thoát nghèo nhờ các hình thức thực hành tiết kiệm. Ảnh: M.C
Nhiều phụ nữ DTTS đã thoát nghèo nhờ các hình thức thực hành tiết kiệm. Ảnh: M.C
Chị Ploat-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: Sau 3 năm triển khai mô hình này, nhiều phụ nữ biết cách dành dụm, làm 10 đồng ít nhất cũng để dành được 1 đồng để sau này giải quyết việc đột xuất trong gia đình mà không phải vay mượn. Ban đầu, mọi người vẫn nghĩ cuộc sống còn nhiều khó khăn, làm không đủ tiêu thì làm sao tiết kiệm. Trách nhiệm của cán bộ Hội là giúp chị em thay đổi suy nghĩ đó để làm chủ tài chính. Đến nay, chi hội Phụ nữ buôn Ia Rnho đã nhân rộng được 6 tổ tiết kiệm với hơn 100 thành viên. Số tiền vận động hội viên tiết kiệm được lên đến trên 700 triệu đồng. Những hội viên thoát nghèo, khá giả có trách nhiệm hướng dẫn cho hội viên nghèo cách chi tiêu hợp lý để cùng nhau thoát nghèo. Song song với đó, Hội LHPN xã phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền tại 4/4 chi hội thôn, buôn cho hơn 415 hội viên về nội dung tránh xa “tín dụng đen”. Đến nay, hầu hết các hội viên, phụ nữ đã tự chủ được chi tiêu, biết cách tích lũy để có cuộc sống sung túc hơn. 
Hiện nay, Hội LHPN xã Đất Bằng còn duy trì 4 tổ cho vay không tính lãi để giúp hội viên nghèo đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi với số vốn xoay vòng trên 1,5 tỷ đồng, giúp 16 hội viên thoát nghèo. Cuộc sống hội viên ngày càng phát triển, các phong trào thi đua cũng khởi sắc hơn. Tinh thần đùm bọc, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn cũng được khơi dậy và lan tỏa. Năm 2019, hội viên, phụ nữ trong xã đã quyên góp được hơn 20 triệu đồng, 300 kg gạo và các nhu yếu phẩm giúp đỡ gia đình chị Rahlan Khớt (buôn Ma Giai) có con bị ung thư não; giúp nhau 50 ngày công thu hoạch mì…
Từ những viên gạch nhỏ đặt nền móng, đến nay, mô hình tiết kiệm đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống hội viên, phụ nữ DTTS trong toàn tỉnh. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập được 128 Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với hàng ngàn thành viên, tiết kiệm số tiền trên 4 tỷ đồng. Không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, việc thực hành tiết kiệm còn mang ý nghĩa thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần cần kiệm trong đời sống. Đó chính là “chìa khóa” để tiến tới giảm nghèo bền vững. 
MINH CHÂU    

Có thể bạn quan tâm