Tin tức

CCP và CNRP không thống nhất về cách bầu chọn thành viên NEC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc hội đàm kín của nhóm làm việc hai đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) sáng 12-6 tại Thượng viện đã kết thúc với việc hai bên không nhất trí với nhau về cách thức bầu chọn các thành viên của Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC).

 

Tại cuộc họp báo do ba thành viên của CPP tổ chức sau hội đàm, Trưởng đoàn đàm phán CPP, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Prom Sokha cho biết tại cuộc hội đàm, phía CPP đã đồng ý bằng văn bản với CNRP về việc NEC sẽ là một cơ chế được thành lập theo quy định của Hiến pháp như đề nghị của CNRP.

Tuy nhiên, ông Prom Sokha nhấn mạnh “tiếc rằng hai bên đã không nhất trí với nhau về việc bỏ phiếu bầu các thành viên của NEC”.

Theo ông Prom Sokha, trong khi “CPP chỉ đồng ý với với hình thức Quốc hội bầu chọn các thành viên NEC với tỷ lệ đã số thường (50%+1) thì CNRP nhất quyết đòi các thành viên NEC phải được chọn theo tỷ lệ 2/3 khi được Quốc hội bầu chọn”.

Ông Prom Sokha giải thích rằng lập trường của CPP dựa trên tu chính Hiến pháp của Quốc hội khóa II, theo đó các quyết định của Quốc hội dựa trên một đa số thường (50%+1) thay vì 2/3 như trước đó.

Ông Prom Sokha cho biết tu chính này do chính ông Sam Rainsy, lúc đó là Chủ tịch đảng Sam Rainsy, đề nghị vào năm 2006 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một đảng thắng cử lập cơ quan hành pháp, tránh bế tắc chính trị kéo dài.

Ông Prom Sokha nói rằng dù hai bên không đạt được thỏa thuận, nhưng CPP vẫn sẵn sàng, mong muốn phía CNRP quay trở lại bàn đàm phán.

Ông cho biết chỉ khi nào nhóm làm việc của hai đảng đạt được thỏa thuận thì lãnh đạo cấp cao của hai bên mới gặp nhau.

Trong khi đó, 3 thành viên của CNRP rời cuộc họp mà không tổ chức hợp báo riêng, mà chỉ trả lời báo chí dọc hành lang là cuộc họp đã đổ vỡ do hai bên không nhất trí được với nhau về cách thức bầu chọn thành viên NEC.

Theo các cuộc đàm phán trước đó giữa CPP và CNRP, một khi NEC nằm trong Hiến pháp thì các thành viên sẽ được phân chia theo tỷ lệ 1/3 thuộc về CPP, 1/3 thuộc về đảng đối lập và 1/3 thuộc về các tổ chức phi Chính phủ.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm