Thời sự - Bình luận

Chấm dứt ngay chuyện “đủng đỉnh giêng hai”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không vui xuân la đà, không để tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” ảnh hưởng đến sản xuất, làm cản trở nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế đất nước là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ muốn nhắn gửi khi ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27-1-2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm qua là kết quả tích cực của kinh tế đất nước giữa bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và những xung đột quân sự trên thế giới, cho phép chúng ta tự tin vào khí thế mới, động lực mới của đất nước. Những thành tựu, hạn chế trong điều hành kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 là kinh nghiệm quý để chúng ta bước vào năm 2023-năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Điều cần nhất lúc này là tinh thần đoàn kết trên dưới đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách để đất nước ngày càng mạnh giàu, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Quang Tấn

12 gói thầu của Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đã đồng loạt khởi công. Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội như: đường ven biển, vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Sân bay Long Thành, các dự án phát triển đô thị lớn, giao thông có tính liên vùng… đang đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ; 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công dành cho giao thông trong năm nay có thực sự trở thành vốn mồi, thành đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước hay không, phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm hành động của các bộ, ngành, địa phương trong vùng dự án.

Ngay trong và sau Tết, vẫn có hàng trăm chuyến xe xuất khẩu nông sản đến với bạn hàng thế giới. Hàng tấn cà phê, sầu riêng, chuối, mít, chanh dây từ các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tấp nập đổ về các bến cảng, cửa khẩu, hứa hẹn một năm xuất khẩu với nhiều thành quả mới.

Công nhân về quê ăn Tết đã trở lại thành phố lớn để làm việc. Sau Tết, trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tại các bến tàu, nhà ga, sân bay, người dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên háo hức lên đường, mang theo bao dự định cho một năm mới. Nhiều công ty, nhà máy ở phía Nam đăng thông báo tuyển công nhân, thợ kỹ thuật bậc cao, chuẩn bị vận hành những đơn hàng xuất khẩu mới. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Năm nay, thị trường lao động sẽ không xáo trộn nhiều. Dự kiến sẽ có trên 110.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2023.

Với thế mạnh đất đai và lao động, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên hoàn toàn có thể phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản, hoa quả giá trị cao trở thành lĩnh vực mũi nhọn. Những chàng trai Tây Nguyên sau này không chỉ sang Lào, Campuchia làm công nhân trồng chuối mà phải là những người có chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ, để đưa sầu riêng, cam, chuối quê mình ra thế giới.

Dẫu biết rằng, mùa xuân là mùa lễ hội, nhưng xin chớ sa đà mà lơ là sản xuất. Không chỉ ban hành chỉ thị đôn đốc, Thủ tướng đã đến các công trình trọng điểm với nhiều câu hỏi, nhiều yêu cầu bức thiết cần được trả lời với tinh thần tất cả phải khẩn trương bắt tay vào sản xuất, không thể cứ “đủng đỉnh giêng hai” làm ảnh hưởng đến đà phục hồi và phát triển của đất nước.

Có thể bạn quan tâm