Thời sự - Bình luận

Chặt chẽ nhưng không cứng nhắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 10-8, UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc "làm rõ" việc siết chặt cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội gây bức xúc trong dư luận trước đó 1 ngày.

Theo đó, người đi đường ở Hà Nội từ ngày này chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy đi đường, thay vì phải xuất trình ít nhất 4 loại giấy tờ như trước.

Việc cấp, sử dụng giấy đi đường nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội là bài học cho nhiều địa phương, bộ, ngành khác khi triển khai quy định, thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp (DN). Các quy định được UBND TP Hà Nội ban hành tuy mục đích đúng nhưng cách làm lại chưa thực sự phù hợp thực tế, làm vội vàng trong khi chưa xem xét đến phương án đầy đủ về mặt kinh tế, kỹ thuật để mọi người dân, DN có thời gian và điều kiện thực hiện theo.

Chưa kể, đòi hỏi quá nhiều loại giấy tờ trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển và nhà nước đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử là chưa thực sự tiến bộ. Thay vì nhiều loại giấy tờ, có thể chỉ cần tích hợp thông tin người dân vào một loại giấy tờ duy nhất hoặc sử dụng mã QR thông qua đăng ký trực tuyến tại cổng điện tử của phường, xã… Không riêng việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong giai đoạn này, tận dụng lợi thế công nghệ thông tin là tối cần thiết và tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ cùng tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

TP Hà Nội với hàng loạt "giấy thông hành" chỉ là một trong không ít trường hợp địa phương có tình trạng bất nhất, vội vã và áp đặt chủ quan trong chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Đã xuất hiện khá nhiều nơi "ngăn sông cấm chợ", làm khó người dân khi di chuyển phục vụ công việc hay mua sắm hàng thiết yếu cho gia đình, làm khó người cần đi lại giữa các địa phương để làm nhiệm vụ được giao…

Ngay với mô hình "3 tại chỗ", các quy định cũng được thực hiện mỗi nơi một kiểu khiến người dân, DN gặp phiền phức. Trong khi nhiều địa phương phía Nam đang cố duy trì mô hình này để bảo đảm sản xuất thì có địa phương đột ngột yêu cầu DN dừng hoạt động dù bảo đảm được yêu cầu "3 tại chỗ", gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, gây hoang mang trong dư luận.

Quyết liệt chống dịch, khoanh vùng có dịch, truy vết F0 là điều địa phương nào cũng muốn làm, nhưng phải quan sát và ghi nhận những nhu cầu thực tế của người dân. Nếu địa phương, cơ quan quản lý không giữ được sự hài hòa giữa các quy định thì không tránh được việc gây khó cho người dân, tạo tâm lý thiếu đồng thuận trong "cuộc chiến" chống dịch. Chặt - lỏng vừa đủ và hợp lý, quy định chặt chẽ nhưng không cứng nhắc sẽ có lợi cho công tác quản lý hơn là lạm dụng các biện pháp một cách "quá tay" gây ra hiệu ứng ngược.

Rút kinh nghiệm từ Hà Nội, các địa phương cần rà soát lại văn bản, quy định liên quan đến phòng chống dịch; những văn bản, quy định không phù hợp, gây thiệt hại hoặc tạo tâm lý lo lắng cho người dân cần sớm được loại bỏ, thay đổi. Về phía Chính phủ, cấp thiết xây dựng bộ tiêu chí chung để mọi địa phương, bộ, ngành làm theo một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

TS Lê Đăng Doanh
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm