Chuyển giao thế hệ đang diễn ra trong quá trình triển khai đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Các nhà lãnh đạo thế hệ 7X, 8X, thậm chí 9X đã được bầu nắm giữ các chức vụ chủ chốt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Đây là các nhà lãnh đạo sinh ra sau chiến tranh, lớn lên trong hòa bình, được đào tạo cơ bản, nhiều người giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh.
Việc chuyển giao thế hệ chắc chắn cũng sẽ diễn ra ở Đại hội Đảng toàn quốc, khi các nhà lãnh đạo đủ tuổi để tái cử chỉ chiếm một số lượng không nhiều.
Nếu chuyển giao thế hệ là một sự tiếp nối tự nhiên thì lựa chọn những nhà lãnh đạo trẻ tuổi như thế nào là một sự lựa chọn có ý thức trong quản trị nhân lực (hay nói cách khác là trong công tác cán bộ).
Mặc dù các tiêu chuẩn được đề ra cho đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược rất đầy đủ, song nhiều tiêu chuẩn mang tính định tính nên rất khó đo đếm. Khó đo đếm thì cũng khó lựa chọn chính xác. Chính vì vậy, ưu tiên phải là các tiêu chuẩn dễ đo đếm hơn. Và lựa chọn các nhà lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới phải dựa trước hết vào các tiêu chuẩn này.
Đầu tiên, dễ đo đếm hơn là những thành tích thực tế. Một lãnh đạo đưa địa phương mình, ngành mình phát triển vượt bậc thì đó chính là người cần được cất nhắc lên một vị trí cao hơn.
Với một môi trường thể chế như nhau, với những nguồn lực không có gì khác trước, một số địa phương đã phát triển vượt bậc so với các địa phương khác, một số ngành đã phát triển vượt bậc so với những ngành khác, đó chính là bằng chứng đáng tin cậy nhất về tài năng của những người lãnh đạo. Hãy cân nhắc, lựa chọn các nhà lãnh đạo này.
Nói và làm là hai chuyện khác nhau. Trên thực tế có nhiều người nói rất giỏi nhưng làm thì không giỏi. Chọn người chỉ nói giỏi, đất nước chưa chắc đã được nhờ.
Thứ hai là sự dấn thân. Làm lãnh đạo phải biết dấn thân. Thúc đẩy một chủ trương mới, một chính sách mới rất khó khăn. Trong một môi trường thể chế còn chưa hoàn thiện, sự chồng chéo, xung đột của các quy định pháp luật còn khá phổ biến, không dấn thân nhiều khi không thể thúc đẩy được công việc, chưa nói đến chuyện tạo ra được sự đột phá.
Ngoài ra, không dám dấn thân, lãnh đạo sẽ không thể động viên được cấp dưới và không thể tập hợp được lực lượng. Dấn thân chính là dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là phẩm chất bộc lộ ra bên ngoài rất rõ. Hãy cân nhắc, lựa chọn các nhà lãnh đạo có phẩm chất này.
Thứ ba là sự trong sạch. Sự trong sạch quả thật là tiêu chuẩn mang tính định tính. Tuy nhiên, sự trong sạch đo đếm được qua sự tín nhiệm của người dân. Một lãnh đạo trong sạch hay không được công chúng nhận biết qua tài sản, qua cách sinh hoạt của bản thân người lãnh đạo đó, của vợ con và các thành viên khác trong gia đình. Hãy cân nhắc, lựa chọn các nhà lãnh đạo được người dân tin yêu và tín nhiệm.
Xác định, chú trọng 3 tiêu chuẩn đó để bảo đảm chất lượng của sự chuyển giao, lựa chọn cho được những nhà lãnh đạo trẻ vừa có đức, vừa có tài. Một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung, tài đức, năng động chắc chắn là tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo TS NGUYỄN SĨ DŨNG (TTO)