E-magazine "Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Kpă Khó bỏ chạy thục mạng ra khỏi nhà khi vừa nghe người chị gái nói đến việc phải nghỉ học ở nhà chăn bò. Vậy là điều lo sợ nhất của cậu bé rồi cũng đến. Kpă Khó vừa chạy vừa khóc. Nhưng em biết chạy đi đâu? Ngoài kia chỉ có mênh mông núi đồi...

Cuộc sống khó nghèo nơi biên viễn, vùng dân tộc thiểu số hay những tai ương bất ngờ ập xuống đã đẩy nhiều em nhỏ ở tỉnh Gia Lai như Kpă Khó vào hoàn cảnh ngặt nghèo, có thể phải dang dở sự học, tương lai bất định. Bao khát khao với con chữ bị níu xuống bởi những nhọc nhằn.

 

Kpă Khó không thể hình dung nổi làm sao em có thể vượt qua những ngọn núi cao vợi của thung lũng Đất Bằng (huyện Krông Pa) này để biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào nếu phải nghỉ học. Trong vô thức, Khó gọi “Mẹ ơi!”. Nhưng mẹ cha giờ cũng đã hóa thành cánh chim cuối ngàn, chỉ còn đọng lại nỗi nhớ đậm sâu trong trái tim bé bỏng của cậu bé Jrai. 

Từ khi cha mẹ lần lượt qua đời, Kpă Khó phải đi chăn bò cho những người họ hàng để được nuôi đi học. Ngoài Khó, gia đình còn có 6 anh chị em, 5 người đã ra riêng, còn đứa em kế cũng đi ở cho hết nhà này đến nhà khác trong buôn. Suốt những năm cấp 1, Khó luôn sống trong nỗi phập phồng phải nghỉ học giữa chừng. Công việc dẫu nhọc nhằn, quá sức nhưng em luôn vui vẻ hoàn thành, miễn là được cắp sách đến trường. Biết anh chị khó khổ, em càng cố gắng để không trở thành gánh nặng. Thế nên nghe chị gái nói ra điều lo sợ bấy lâu, cậu bé Jrai hoàn toàn tuyệt vọng.

 

Nhưng nỗi khát khao con chữ của Khó khiến cho Yàng cũng động lòng. Một người họ hàng bắt gặp Khó với hàng nước mắt đã khô trên đôi mắt sưng mọng bèn quyết định đưa em về nhà. Ông cũng không khá giả gì nên gắng nuôi Khó học được hết bậc THCS, sau đó làm hồ sơ gửi em vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Phải rời xa buôn làng, xa những người thân thiết ruột thịt nhưng đổi lại, Khó có cơ hội viết ước mơ trên đôi cánh tri thức. 

Con đường học hành của Kpă Khó như bản đàn muôn điệu, không ít những nốt lặng. Chữ “khó” trong tên em như vận vào cuộc đời. Những năm đầu học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Khó được Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh hỗ trợ 1,3 triệu đồng/tháng. Với số tiền ít ỏi này, chàng sinh viên Jrai tối giản mọi nhu cầu, sinh hoạt. “Cứ rời giảng đường là em lao tới chỗ làm thêm. Có những ngày nghỉ, nhớ làng mà em không dám về vì không có tiền. Suốt thời sinh viên, em không biết đến bữa ăn sáng là gì”-Khó kể. Nhưng cái khó chưa dừng lại ở đó. Đến năm cuối đại học, em hết tuổi được nhận hỗ trợ. Tiền học, tiền trọ, tiền đi thực tập năm cuối, tiền thi lấy chứng chỉ tiếng ngoại ngữ… đều trông chờ vào những giờ làm thêm. Thế nhưng Covid-19 ập đến, việc làm thêm không còn. Khó như con chim non chới với giữa ngày giông bão.

 

7 tuổi, cô bé Ksor Nương (làng Klăl, xã Ia Mơr, huyện biên giới Chư Prông) cũng đã thấm trải nỗi đau mất mát, chia lìa khi cha mẹ lần lượt qua đời. Căn nhà nhỏ ấm cúng ngày nào giờ bốn bề gió lạnh thốc lùa. Thiếu hơi ấm tay mẹ mỗi ngày dắt em đến trường khiến Nương không chỉ thấy bơ vơ mà nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng cũng dần hiện hữu. Cô bé Jrai mới chỉ làm quen với tiếng Việt, bập bõm đọc và viết những bài thơ đầu tiên về quê hương, đất nước. Nhưng ai sẽ nuôi em đi học khi mỗi ngày 4 anh chị em còn phải nhường nhau từng miếng ăn?

 

Chúng tôi ghé thăm căn nhà tôn cũ kỹ chỉ có đúng 1 gian của bà Kpuih Do ở thôn Thơ Ga B (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Đang giữa mùa mưa dài, nền nhà hực lên mùi đất ẩm. Cậu bé Kpuih Côi-đứa cháu ngoại bấu chặt lấy người bà, sợ sệt khi thấy người lạ. Dỗ dành mãi Côi mới chịu ngồi xuống chiếc giường đơn sơ kê trên nền nhà ẩm thấp, ngay cạnh là những viên gạch kê lên làm bếp. Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, bà Do kể về số phận côi cút của đứa cháu ngoại từ khi mới lọt lòng: “Mẹ nó đẻ nó ra thì bị Yàng bắt đi mất. Nó ốm yếu từ nhỏ vì thiếu sữa mẹ, gần 6 tuổi rồi mà mình vẫn phải địu trên lưng”. Hỏi Côi có nhiều bạn không, bà Do nhìn về khoảng trống trước mặt thở dài: “Nó không có bạn vì nhút nhát và không biết nói tiếng Kinh. Cũng chỉ vì mình nghèo quá, không thể cho nó tới trường. Có lần đi qua trường mầm non thấy mấy đứa trẻ vui chơi trong sân, nó cứ nhìn theo mãi”. Bà quay sang đứa cháu ngoại hỏi khẽ một câu bằng tiếng Jrai, hai bà cháu trao đổi vài câu và lần đầu tiên chúng tôi thấy cậu bé nở một nụ cười. “Nó nói cũng muốn đi học như mấy đứa trong làng”-bà Do “phiên dịch”. 

 

Bóng chiều cao nguyên đổ xuống rất nhanh sau cơn mưa mùa sũng nước. Được thầy Nguyễn Văn Soi-giáo viên Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) dẫn đường, chúng tôi ghé thăm gia đình 6 em nhỏ không may mồ côi mẹ cách đây chưa lâu sau một tai nạn. Bà Dương Thị Kim Linh-bà nội của lũ trẻ-nhòa nước mắt khi nhắc lại chuyện đau buồn. 

Đó là một chiều nhập nhoạng cuối tháng 11-2021. Chị Huỳnh Thị Oanh-con dâu bà-vừa ở rẫy cà phê về thì vội xắn tay áo quét vôi phần tường của ngôi nhà đang xây dở. Đây là cơ ngơi do vợ chồng anh chị tích cóp, vay mượn xây tạm trên phần đất mẹ chồng cắt cho bên cạnh. Chẳng may, cây chổi huơ trúng sợi dây điện bị hở mạch khiến chị Oanh bị điện giật tử vong. “May là cháu lớn biết xử lý bằng cách ngắt điện, chứ nếu cứ chạy vô ôm mẹ thì đã chết cả nhà”-bà Linh lặng người.

 

6 đứa trẻ ngơ ngác tột cùng vì bỗng chốc mồ côi. Đứa lớn nhất khi đó học lớp 11, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Những giấc ngủ ấm hơi mẹ, những bữa cơm quây quần, đủ đầy tình thân phút chốc thành ký ức. Nhà đã nghèo càng thêm khó. Cha các em vừa canh tác mấy sào cà phê, vừa làm “thợ đụng” nên thu nhập bấp bênh; bà nội hàng ngày đi cạo vỏ lụa hạt điều thuê cho một cơ sở chế biến gần nhà để kiếm thêm mỗi ngày vài chục ngàn đồng nuôi cháu. “Giờ tôi chỉ có mong ước lớn nhất là các cháu được ăn học đến nơi đến chốn”-bà Linh bùi ngùi chia sẻ. Nỗi lo ánh lên trong đôi mắt cô quạnh của bà: Nếu chẳng may chúng không nên người thì cho đến ngày nhắm mắt bà vẫn chưa hết canh cánh lo.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, em Nguyễn Thị Ngọc Trúc (học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi), con thứ 2 trong gia đình-cũng bày tỏ, mơ ước của em lúc này là được học hết bậc đại học, theo nghề hướng dẫn viên du lịch để sau này phụ nội, phụ ba nuôi các em. Nhưng chi phí ở đâu để theo học đại học là câu hỏi lớn. Thầy Soi nắm chặt tay cô học trò ngoan hiền, học giỏi mà động viên: “Trước mắt em phải nỗ lực lên, cố gắng thi đậu vào Trường THPT chuyên Hùng Vương. Em phải học thật giỏi thì mới có người giúp đỡ!”. Trúc gật đầu, mắt buồn rười rượi.    

 

Từ năm 2009, hòn đảo nằm lẻ loi giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 này đã đón 5 gia đình thông gia quê gốc miền Tây Nam bộ tìm đến sinh sống. Khung cảnh trước mắt chúng tôi hết sức đơn sơ, tạm bợ với những ngôi nhà dựng bằng gỗ tạp và tôn cũ. Bà Nguyễn Thị Màu-vợ ông Ba Chơn, người “khai phá” gò đất nổi lên giữa lòng hồ này-kể lại: Cuộc sống ở quê nhà Đồng Tháp khó khăn nên năm 1990 cả gia đình chuyển lên tỉnh Bình Phước tìm kế mưu sinh. Khi lòng hồ thủy điện Sê San 4 hình thành, nghe nói nơi đây có nguồn lợi thủy sản lớn nên họ lại làm một cuộc di cư vào năm 2009.

 

Trước kia, mấy đứa cháu của bà gửi lại Bình Phước nhờ người thân nuôi nấng, chăm sóc. Nhưng từ khi dịch Covid-19 hoành hành, chúng được đưa đến đảo tránh dịch cùng cha mẹ, ông bà. Trong số này, trừ đám trẻ trong độ tuổi mẫu giáo thì có 6 em lẽ ra phải đang theo học bậc tiểu học. Không đến lớp, những em lớn phụ gia đình chài lưới, các em nhỏ hơn thì đi nhặt hạt điều. 

Rụt rè trò chuyện cùng chúng tôi, em Nguyễn Trà My cho hay do đang học lớp 1 thì phải nghỉ ngang vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giờ em vẫn chưa thể tự viết tên mình. Anh trai em là Nguyễn Đăng Khoa may mắn hơn vì đã học hết lớp 2. Khi được hỏi có mong muốn được vào bờ học chữ hay không thì cả 2 anh em đều gật đầu háo hức.

 
 

Có thể bạn quan tâm