Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraine là điểm nhấn trong thông điệp liên bang Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ là điểm nhấn quan trọng trong Thông điệp liên bang lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin - theo Hãng thông tấn TASS ngày 21/2.

Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: TASS

Theo ông Peskov, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người Nga theo cách này hay cách khác. Vì vậy, mọi người đều mong muốn được nghe những đánh giá của Tổng thống về chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng như đánh giá về tình hình quốc tế và tầm nhìn của Tổng thống về đường hướng phát triển trong tương lai.

Tới nay, những điểm chính của bài phát biểu chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng một trong những điểm nhấn chính về "tình hình hiện tại" - về các vấn đề liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt, kinh tế và các vấn đề xã hội.

Theo truyền thống, bài phát biểu của Tổng thống Nga trước Quốc hội về tình hình đất nước, về các định hướng chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước, là cơ sở để đặt ra các mục tiêu chiến lược, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia của Nga.

Việc phát đi Thông điệp Liên bang vừa mang tính truyền thống, vừa được ghi trong Hiến pháp Nga. Lần gần nhất nhà lãnh đạo Nga đã có bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 4/2021 với bài phát biểu dài 1 giờ 19 phút. Bài phát biểu dài nhất là năm 2018 với 1 giờ 55 phút; trong khi năm 2004, 2005 bài phát biểu chỉ 48 phút. Ông Putin không đọc thông điệp năm 2022 với lý do tình hình thực tế diễn biến quá nhanh, khó ghi nhận kết quả cũng như kế hoạch cho tương lai gần.

Liên quan tới thời lượng của Thông điệp Liên bang năm nay, hãng TASS cho biết các đài truyền hình liên bang ở Nga đã dành một giờ để phát bài diễn văn của tổng thống. Tuy nhiên, theo ông Peskov, "đây chỉ là hình thức" và tổng thống có thể phát biểu lâu hơn.

Về khách mời, thông thường là khoảng một nghìn người, gồm các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ, thành viên chính phủ, nhân viên cấp cao của chính quyền, người đứng đầu Văn phòng Tổng công tố, Tòa án Hiến pháp và Tối cao, người đứng đầu các khu vực, các quan chức cấp cao khác, cũng như đứng đầu các tôn giáo chính, những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đối với truyền thông, Điện Kremlin chỉ mời phóng viên Nga và phóng viên các nước thân thiện. Phóng viên nước ngoài đến từ các quốc gia không thân thiện không được mời, nhưng họ "có thể làm việc bằng cách xem chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình mà họ chọn".

Nga đã liệt hơn 60 quốc gia, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, Nhật Bản vào danh sách những nước "không thân thiện".

TS ( từ TTXVN, VNexpress.net, VTV.vn)

Có thể bạn quan tâm