Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga - Đề cao sự tin cậy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva mang ý nghĩa đặc biệt và tính biểu tượng cao trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Moskva, bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva lần này mang ý nghĩa đặc biệt và tính biểu tượng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Đối với Nga, đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo một cường quốc thế giới kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022.

Còn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Cách đây tròn 10 năm, tháng 3/2013, Liên bang Nga là cũng điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị chủ tịch nước.

Điều đó phần nào thể hiện sự gần gũi và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước láng giềng được cho là có nhiều điểm song trùng về lợi ích

Trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết: “Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước, tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trong chuyến thăm, nhiều văn kiện song phương sẽ được ký kết và các vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược được thảo luận.”

Báo chí Trung Quốc bình luận: “Chuyến thăm Nga sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự tin tưởng chiến lược và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Nga," lưu ý trong tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc và Nga có nhiều cơ hội hơn để tăng cường hợp tác.

Cụ thể, sự bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu kinh tế của hai nước “tạo ra tiềm năng to lớn” cho hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực.

Truyền thông Nga nhấn mạnh mối quan hệ tin cậy giữa hai nước dựa trên nguyên tắc không liên kết và không định hướng chống lại bên thứ ba.

Trong khi đó, nghị sỹ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), ông Dmitry Novikov nhận định chuyến thăm cho thấy rõ vị trí quan trọng của Nga trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Chuyến thăm còn được đặc biệt chú ý bởi diễn ra sau khi Trung Quốc ngày 24/2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm cho vấn đề Ukraine.

Phản ứng với kế hoạch hòa bình này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đàm phán này có thể diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến công du Moskva. Trung Quốc hiện được đánh giá là một trong những nước có sức thuyết phục và ảnh hưởng nhất đối với ban lãnh đạo Nga.

Sự hợp tác tin cậy giữa hai nước được xem là đảm bảo quan trọng để Trung Quốc có thể thuyết phục Nga về một thỏa thuận với Kiev.

Cũng cần lưu ý rằng Bắc Kinh mới đây đã đóng vai trò điều hòa trong việc khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia đối địch ở Trung Đông là Saudi Arabia và Iran, bởi vậy Trung Quốc đang được kỳ vọng có thể trở thành cầu nối giữa Moskva và Kiev.

Đề cập vấn đề này, trong bài viết đăng tải trên "Báo Nga" ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng các bên có thể tìm thấy một lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như một con đường dẫn đến hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu nếu cùng theo đuổi khái niệm an ninh chung toàn diện và bền vững, đồng thời tiếp tục đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, khôn ngoan và thực dụng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh duy trì quan điểm khách quan về cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết ngày đầu tiên của chuyến thăm diễn ra cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin. Hai bên xem xét những vấn đề quan trọng nhất, then chốt, nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước.

Theo hãng tin TASS của Nga, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược phát triển hơn nữa, trong đó dự kiến thảo luận về Sáng kiến Vành đai con đường và Liên minh kinh tế Á-Âu.

Có thể thấy rõ, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đã bùng nổ trong thời gian gần đây. Trong giai đoạn tháng 1 và 2/2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 33,69 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trong hai tháng tăng 31,3% - lên 18,65 tỷ USD, nhập khẩu vào Nga tăng 19,8%, đạt mức 15,04 tỷ USD.

Đáng chú ý, năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng tới 29,3%, đạt 190,27 tỷ USD.

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rút khỏi "xứ sở Bạch dương," đồng thời Moskva phải chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Nga, đồng thời mua một lượng lớn khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia.”

Trong khi đó, khối lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Nga cũng tăng mạnh. Hầu như tất cả các tuyến đường trao đổi thương mại giữa hai nước hiện đang nhộn nhịp.

Tuyến đường sắt xuyên Siberia đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Nga và Trung Quốc thường xuyên quá tải, đồng thời hoạt động giao thương ở các tuyến đường bộ cũng đang diễn ra tấp nập.

Hàng hóa Trung Quốc còn đi bằng đường bộ qua Mông Cổ để vào Nga do các tuyến đường khác bị nghẽn.

Thị trường ôtô khổng lồ của Nga là một ví dụ. Sau khi các nhà sản xuất ôtô châu Âu rút khỏi thị trường Nga, giờ đây các thương hiệu ôtô Trung Quốc đang chiếm ưu thế và ngày càng có thêm thương hiệu ôtô Trung Quốc tiếp cận thị trường Nga.

Nga hiện đứng thứ hai về cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống và thứ tư về khí đốt hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc.

Tính đến đầu tháng 2/2022, khoảng 13,8 tỷ m3 khí đốt đã được bơm cho Trung Quốc theo đường ống phía Đông và riêng tháng 12/2022, khối lượng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc đã vượt 18% so với hợp đồng.

Có thể nói chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva sẽ càng đem lại thêm lợi ích cho các doanh nhân Trung Quốc, đồng thời đáp ứng lợi ích của Liên bang Nga. Qua chuyến thăm, Trung Quốc cũng tìm cách thể hiện vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm