Bất chấp thỏa thuận đình chiến, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán giữa 2 nước thất bại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong năm 2018. Một thỏa thuận 90 ngày đình chiến mà 2 nước đạt được vào tháng cuối cùng của năm có thể là diễn biến tích cực. Nhưng liệu 2 nước có thể “đình chiến” lâu dài và kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đã sôi sục suốt năm 2018 này hay không là điều mà mỗi người sẽ có những suy đoán riêng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong năm 2018. Ảnh: Market Watch |
Từ những đòn thuế quan ăn miếng trả miếng
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Trump chỉ trích Trung Quốc khá mạnh mẽ trong vấn đề thương mại khi khẳng định Bắc Kinh đang lợi dụng Washington. Ông Trump cam kết sẽ mạnh tay hơn với Trung Quốc nếu lên nắm quyền. Và ông đã từng bước thực hiện cam kết tranh cử của mình.
Các đòn thuế quan mà thế giới chứng kiến trong suốt năm 2018 đến sau một cuộc điều tra của Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) xác định rằng, nhiều hành động, chính sách và thực tiễn của chính phủ Trung Quốc liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và đổi mới là không hợp lý hoặc mang tính phân biệt đối xử; tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại Mỹ.
Đặc biệt hơn, chính quyền của Tổng thống Trump và bản báo cáo của USTR đã cáo buộc Trung Quốc “bóp méo” các thị trường và có chính sách sở hữu trí tuệ không công bằng, làm tổn hại các doanh nghiệp Mỹ. Mỹ chỉ trích Trung Quốc thực thi chính sách thương mại không công bằng thông qua việc buộc các công ty Mỹ phải cam kết liên doanh với công ty Trung Quốc để làm ăn tại đại lục. Điều này mở cửa cho các công ty của Trung Quốc được sử dụng, cải tiến hoặc sao chép các công nghệ Mỹ.
Theo cuộc điều tra kéo dài 7 tháng của USTR, những chính sách thương mại của Trung Quốc có tác động rất lớn, khiến Mỹ mất khoảng 225-500 tỷ USD mỗi năm do bị ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Đòn thuế quan đầu tiên là 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế bổ sung, có hiệu lực từ tháng 7/2018, chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao. Tất nhiên, Trung Quốc cũng “ăn miếng trả miếng” bằng cách áp thuế tương tự với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước này.
Đòn thuế quan tiếp theo: Mỹ áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ 24/9, thậm chí dọa sẽ nâng thuế lên 25% từ 1/1/2019 nếu Trung Quốc “dám” đáp trả.
Trung Quốc vẫn đáp trả, nhưng con số không đối xứng như lần trước. Chỉ có thêm 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc bị áp thêm thuế từ ngày 24/9. Tuy nhiên, Trung Quốc dọa sẽ đáp trả kiểu “định tính” với Mỹ.
Các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm hàng nghìn mặt hàng công nghệ cao, tác động tới giá tivi, tấm pin năng lượng mặt trời, mỹ phẩm, hàng điện tử, bia, ô tô và thậm chí là quần áo ở Mỹ. 7 hãng bán lẻ lớn của Mỹ, trong đó có Walmart, Gap, and Coca-Cola cho biết các biện pháp thuế quan này buộc họ phải nâng giá sản phẩm bán ra.
Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa như máy bay, đậu nành, whiskey, trái cây, các loại hạt, bia và rượu của Mỹ.
Đến thỏa thuận đình chiến 90 ngày
Từ những đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng”, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang từ thương mại tới nhiều mặt trận khác, khiến nhiều người lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa 2 nước.
Sau cuộc điện đàm được thông báo đầu tháng 11, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đồng ý sẽ gặp nhau sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina để thảo luận trực tiếp các vấn đề thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng quan chức 2 bên trong cuộc gặp tối 1/12 tại Buenos Aires. Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp ăn tối kéo dài 2 tiếng rưỡi (lâu hơn so với dự kiến trước đó) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng quan chức cấp cao 2 bên ngày 1/12 tại Buenos Aires đã đem lại một thỏa thuận đình chiến 90 ngày cùng những nhượng bộ nhất định từ cả 2 phía. Hai bên nhất trí xử lý các vấn đề về cấu trúc quan hệ thương mại, liên quan đến 5 lĩnh vực: chuyển giao công nghệ bắt buộc; bảo vệ sở hữu trí tuệ; các hàng rào phi thuế quan; xâm nhập trên mạng; tội phạm công nghệ cao.
Mỹ đồng ý hoãn các biện pháp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc. Để đáp lại những nhượng bộ tạm thời này, Trung Quốc đồng ý mua lượng lớn những hàng hóa chưa được thỏa thuận nhưng vô cùng thiết yếu như nông sản, năng lượng, hàng công nghiệp và một số sản phẩm khác từ Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước. Ngoài ra, Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc cũng đã nhất trí “giảm bớt và dỡ bỏ” thuế quan đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Mỹ.
Con bài Huawei và sự yếu thế của Trung Quốc?
Trong khi thông tin về thỏa thuận đình chiến thương mại tràn ngập các mặt báo vẫn còn đang khiến dư luận lạc quan một cách thận trọng, thì vài ngày sau đó, Canada tuyên bố nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei (Trung Quốc), theo yêu cầu của giới chức Mỹ. Tình cờ hay cố ý, vụ bắt giữ này được tiến hành cùng ngày Tổng thống Trump gặp ông Tập ở Buenos Aires, Argentina.
Bà Mạnh Vãn Chu (phải) được tại ngoại sau khi nộp 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh. Ảnh: Toronto Star |
Nhiều người lo ngại vụ bắt giữ sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận đình chiến mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được, thậm chí đổ thêm dầu vào lửa cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định vụ bắt giữ sẽ không ảnh hưởng tới quá trình đàm phán giữa 2 bên, nhưng tất nhiên, nó sẽ vẫn là một trong những nội dung sẽ được bàn tới.
Có một điều lạ là đáp trả vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc dường như chỉ nhằm vào Canada chứ không phải Mỹ, dù Mỹ mới là nước yêu cầu bắt giữ và dẫn độ. Lý do có lẽ là bởi Trung Quốc “quyết tâm” cải thiện quan hệ với Mỹ và bảo vệ thỏa thuận đình chiến để có thể sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại khiến nước này phải chịu không ít tổn hại.
Thương mại với Canada chỉ là “số lẻ” đối với Trung Quốc so với những gì mà nước này xuất khẩu sang Mỹ. Và chính Mỹ mới là nước đang “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 48 tỷ USD sang Canada, và nhập khẩu 15 tỷ USD từ Canada. Trong khi đó, cũng năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu 481 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu 115 tỷ USD từ Mỹ. Do sự phụ thuộc của Trung Quốc là vào Mỹ, Canada dường như bị biến thành “con tốt thí mạng”.
Trong khi đó, Tổng thống Trump lại không hề che giấu ý định tận dụng vụ bắt giữ sếp Huawei để làm con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nếu cần thiết. Cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu Mỹ muốn “đánh” vào Huawei và coi đây là át chủ bài, là đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bởi Huawei là “con cưng” trong kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Trung Quốc đã khá chật vật với những đòn thuế quan của Mỹ, và hậu quả có thể nhìn thấy trước nếu bị cắt nguồn cung cấp công nghệ Mỹ là lý do vô cùng hợp lý để Trung Quốc mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bài học của ZTE vẫn còn nguyên giá trị khi chính ông Tập Cận Bình phải can thiệp để cứu nguy cho công ty này khỏi “án tử” bị cấm cửa với các thiết bị công nghệ cao của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại sẽ như thế nào trong năm 2019?
Với một thỏa thuận đình chiến 90 ngày, có thể dự đoán đầu năm 2019, căng thẳng sẽ không leo thang. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ đi về đâu, còn phụ thuộc vào việc hai bên có dàn xếp ổn thỏa những bất đồng kéo dài về một loạt vấn đề trong thương mại hay không.
Tổng thống Trump đã tuyên bố nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn 90 ngày đình chiến, các đòn thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ lại được tiếp tục.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận lâu dài trong thời hạn 90 ngày đình chiến và khoảng thời gian này có thể sẽ chỉ là một khoảng “tạm nghỉ”, hay “câu giờ” cho cả 2 phía, thậm chí có thể là khoảng lặng trước khi “cơn bão” lại nổi lên còn dữ dội hơn cả những gì chúng ta đã thấy.
Thùy LInh (VOV)