Tin tức

Chiêu bài 'sự đã rồi' của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã ngang nhiên lợi dụng mọi kẽ hở để tạo ra “sự đã rồi”, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp - Ảnh: Chụp màn hình SCMP
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp - Ảnh: Chụp màn hình SCMP



Trung Quốc nhiều lần đánh lạc hướng dư luận bằng những tuyên bố rằng tình hình Biển Đông ổn định và được cải thiện. Thế nhưng những gì đã và đang diễn ra hoàn toàn không như Trung Quốc nói. Ngay ngoài kia, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vẫn đang ngang ngược vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam đã được xác định phù hợp với quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Và đó chỉ là một trong hàng loạt hành vi nguy hiểm mà Trung Quốc tiến hành trong nhiều năm qua trên Biển Đông.

Hàng loạt chiêu trò


 

 

Việc triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông có thể giúp Trung Quốc nhắm đến nhiều mục tiêu, bao gồm mục tiêu trên không cũng như giám sát tầng thấp để kiểm soát việc đánh bắt cá, thăm dò dầu khí, theo dõi tàu chiến và tàu thương mại đi qua khu vực. Mặc dù bản thân việc triển khai UAV trong không phận quốc tế không trái luật nhưng với Trung Quốc thì không loại trừ khả năng nước này có thể dùng UAV để gây áp lực hoặc cản trở phương tiện của các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trên Biển Đông.
 

Giáo sư James Kraska (Đại học Hải chiến Mỹ)
 





Trả lời Thanh Niên, giáo sư về luật hàng hải quốc tế James Kraska tại Đại học Hải chiến Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược nhất quán để hiện thực hóa mưu đồ kiểm soát Biển Đông, bắt đầu từ việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, các bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988, tiếp đó là bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2015, Trung Quốc tiến hành bồi đắp trái phép 7 bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, quân sự hóa chúng thành các tiền đồn, thậm chí xây dựng 3 đường băng đủ dài để các loại máy bay quân sự đáp xuống. Không những vậy, Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các thực thể ở Biển Đông.
Theo Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ): “Một chủ trương lớn trong chiến lược này là biến các vị trí chiếm đóng thành căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự tiền phương, tạo bàn đạp cho các phương tiện như máy bay, tàu nổi, tàu ngầm của Trung Quốc tỏa ra thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”.

Bên cạnh các hành vi quân sự hóa, Trung Quốc còn tự cho mình quyền ấn định một lệnh “cấm đánh bắt” đối với các tàu treo cờ nước ngoài trên vùng đặc quyền kinh tế của chính các nước đó tại khu vực trong suốt nhiều năm qua. Giáo sư Kraska cho rằng Trung Quốc muốn bình thường hóa sự kiểm soát về đánh bắt ở Biển Đông, bất chấp việc điều đó đe dọa, xâm phạm các hoạt động và quyền lợi biển hợp pháp của các nước khác. “Trung Quốc còn dùng đội tàu cá khổng lồ của mình kết hợp với tàu vũ trang mang danh tàu chấp pháp để gây rối ngư dân các nước nhằm nội bộ hóa hoạt động đánh cá, mục tiêu là tước bỏ quyền đánh cá của các nước trong chính EEZ của họ”, ông nhấn mạnh với Thanh Niên. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo sự nguy hiểm của dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá, tàu thương mại dân sự với chiến thuật “bắp cải” của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tìm cánh ngụy tạo “hồ sơ hành chính” nhằm tự vẽ nên quyền kiểm soát các thực thể ở Biển Đông. Hơn 7 năm trước, Trung Quốc tự lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý một khu vực rộng lớn, bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đến, Trung Quốc lại hình thành các cơ sở hành chính, rồi tổ chức du lịch đến các khu vực trên. Giới chuyên gia quốc tế đều nhận định đây là cách mà Trung Quốc tự “hợp pháp hóa” các biện pháp mang tính “bình phong”. Cụ thể, thông qua các giấy phép đầu tư, Trung Quốc có thể tự vẽ ra một “hồ sơ hành chính” về “liên tục quản lý” các đảo nhằm bao biện cho tuyên bố chủ quyền phi lý của mình.

Hệ lụy nguy hiểm

Theo các chuyên gia, Trung Quốc rõ ràng đang ra sức thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” bằng cách tạo ra “sự đã rồi”, cái gọi là “trạng thái bình thường mới” hay “nguyên trạng mới”. Mới đây, nguyên Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cảnh báo Trung Quốc vẫn tận dụng các kẽ hở để tạo ra “sự đã rồi”. Ông đánh giá “sự đã rồi” là vấn đề khó nhất về mặt quân sự và đây cũng là thách thức lớn với các quốc gia đang quan ngại về những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.


Trong bài trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Vuving cảnh báo trong khoảng 5 - 10 năm tới, Trung Quốc có thể tiến đến giai đoạn cuối trong quá trình tạo dựng và củng cố thế đứng trên Biển Đông, tức là giai đoạn mà từ các bàn đạp trên các đảo chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc có thể phản ứng tức thời và áp đảo lực lượng của bất kỳ nước nào khác trên bất cứ khu vực nào ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì nói với Thanh Niên: “Những sự hiện diện quân sự, hành chính và thương mại vững chắc sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng gây áp lực ngay lập tức đối với bất kỳ quốc gia nào có hành động đi ngược với mong muốn của Bắc Kinh”.

Thực tế cho thấy Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ tham vọng của mình, dù cho cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng quan ngại. Càng ngày các chiêu bài của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông càng trở nên tinh vi. Mới đây nhất là việc triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái để do thám, giám sát hàng hải lẫn các thực thể tại Biển Đông. Nhìn xa ra đây còn có thể là hành động nhằm vào các hoạt động thực thi tự do hàng hải mà các nước khác tiến hành trên Biển Đông. Giới chuyên gia đều đồng ý rằng Biển Đông không chỉ là vùng biển chiến lược với các nước trong khu vực mà còn là trung tâm hàng hải quan trọng, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt với tất cả các nước cũng như cộng đồng quốc tế. Những mưu đồ nguy hiểm của Trung Quốc nếu đạt được sẽ đe dọa đến lợi ích chung, đồng thời tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật tại đây. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải thật sự quan tâm đến an ninh Biển Đông, góp tiếng nói mạnh mẽ và vì trách nhiệm chung để ngăn chặn “sự đã rồi” trước một Trung Quốc ngày một hung hăng và bất chấp.

Ngọc Mai (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm