Tin tức

Chiêu trò '3 lực lượng' của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lực lượng dân binh biển mà Trung Quốc đang điều động đến khu vực quần đảo Trường Sa là 1 trong 3 lực lượng mà nước này đang sử dụng để tạo dựng “vùng xám” nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông.

Tàu cá dân binh Trung Quốc cùng hải cảnh 45111 trong một lần gây rối ở vùng biển Việt Nam. Ảnh: MAI THANH HẢI
Tàu cá dân binh Trung Quốc cùng hải cảnh 45111 trong một lần gây rối ở vùng biển Việt Nam. Ảnh: MAI THANH HẢI
Việc Trung Quốc triển khai tàu của lực lượng dân binh nước này (PAFMM) được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là nhằm tìm cách tăng cường quyền kiểm soát ở Biển Đông. Như Thanh Niên đã thông tin, các hình ảnh gần đây cho thấy khoảng 220 tàu của PAFMM đã hiện diện ở gần một bãi cạn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Gây hấn bằng lực lượng bán vũ trang
Trả lời Thanh Niên ngày 22.3, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: đó là hành vi đe dọa điển hình của Bắc Kinh.
“PAFMM là lực lượng bán vũ trang, được tuyển chọn từ ngư dân của nước này. Các thành viên của PAFMM được huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí rồi hoạt động dưới “bình phong” là nghề cá. Thời gian qua, các tàu của PAFMM vốn được đóng bằng vỏ thép đã nhiều lần đâm đụng, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước trong khu vực. Đây là cách để Bắc Kinh thiết lập “vùng xám”, tức tìm cách hoạt động rồi tăng dần kiểm soát ở vùng biển nước khác. Dù đó là những hành động gây hấn, thậm chí gây chiến, nhưng được “núp bóng” dưới hình thức tàu dân sự, chứ không phải tàu quân sự, nên Trung Quốc có thể chối bỏ trách nhiệm”, ông Schuster phân tích.
Ông đánh giá thêm: “Việc triển khai đến 200 tàu dân binh áp sát một thực thể có thể gây đe dọa lớn cho ngư dân nước khác. Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên hoạt động gần PAFMM trong các trường hợp như trên, để sẵn sàng hỗ trợ PAFMM khi tàu công vụ của các nước khác trong khu vực phản ứng”.
Thực tế, việc điều động PAFMM để thiết lập vùng xám, dưới sự yểm trợ của hải cảnh, là cách thức mà Trung Quốc sử dụng suốt những năm qua ở Biển Đông. Thậm chí, tàu hải cảnh Trung Quốc còn không ngần ngại tấn công cả tàu cá các nước trong khu vực. Đầu tháng 4.2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển chủ quyền thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành vi này của hải cảnh Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Mới đây, Trung Quốc còn ban hành luật mới cho phép tàu hải cảnh nước này sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Nhiều nước đã lên án, chỉ trích mạnh mẽ luật hải cảnh mới của Trung Quốc vì lo ngại Bắc Kinh sẽ có thêm hành vi quá khích.
Hậu thuẫn bằng hải quân
Từng phân tích khi trả lời Thanh Niên, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) chỉ ra rằng: “Giữa vùng biển tranh chấp, Trung Quốc dùng PAFMM và hải cảnh để đơn phương áp đặt luật lệ nhằm kiểm soát các vùng biển dưới cái mác là “quyền lực hợp pháp”. Bắc Kinh bày ra chiêu trò hình thành lực lượng “dân quân biển” và hải cảnh tìm cách hoạt động quấy phá lực lượng quân sự và hải quân chính quy của các nước khác. Cùng lúc, hải quân Trung Quốc sẽ phục sẵn cho trường hợp các nước khác phản ứng. Nếu răn đe như thế thành công, Bắc Kinh sẽ không điều quân đội trực tiếp có mặt ở các “điểm nóng” trực tiếp đối đầu”.
“Loạt chiêu trò này của Bắc Kinh là chiến thuật “tằm ăn dâu”. Theo đó, Bắc Kinh cứ duy trì liên tục những hành động như trên nhưng không để tạo ra biến cố chiến tranh. Nếu các nước khác không phản ứng hiệu quả thì cứ theo thời gian, Trung Quốc dần độc quyền kiểm soát cả vùng biển tranh chấp”, TS Holmes cảnh báo.
Thực tế, dân binh biển cùng với hải cảnh và hải quân sẽ tạo thành 3 lớp lực lượng vũ trang với các tầng mức khác nhau được Bắc Kinh sử dụng để tăng cường kiểm soát nhằm đạt được tham vọng thâu tóm Biển Đông.
Không phải lần đầu
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều động hàng loạt tàu di chuyển vào khu vực trên. Một trường hợp tương tự cũng đã được thông tin vào tháng 3.2020. Động thái lần này diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang đối phó với dịch bệnh Covid-19, nên có thể thấy rằng Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để tìm cách kiểm soát nhiều hơn.
TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)
Theo Ngô Minh Trí (TNO)

Có thể bạn quan tâm