Thời sự - Bình luận

Chính sách và tầm nhìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ đô Hà Nội ngập lụt không phải chuyện mới. Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa tới người và xe lại vật vã “bơi” trên đường.

Tuy nhiên, phải đến trận mưa lịch sử ngày 29.5, người ta mới “giật mình” về tầm nhìn quy hoạch, về cơ chế, chính sách quản lý cấp thoát nước.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng TN-MT thì đề xuất có thể học Nhật Bản xây hầm chứa ở sân vận động, ở cánh đồng phòng khi mưa lớn. Từ nhà ra ngõ, đâu đâu cũng bàn tán mưa bất thường vượt công suất thiết kế thoát nước. Song, chúng ta lại quên rằng chính công tác quy hoạch thoát nước vừa yếu, vừa chậm; chính sự chậm trễ trong ban hành cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng… trong khi lại cấp phép ồ ạt cho đại đô thị mới, trung tâm thương mại mới là căn nguyên của vấn đề.

Trên đê Trần Quang Khải - trụ sở của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thế đất cao, nước không ngập tới; nhưng sức ép từ các nhà đầu tư trái phiếu đòi tiền sau những sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn dữ dội hơn... mưa ngập. Hơn 10.000 tỉ đồng cho 9 lô trái phiếu phát hành trái quy định gây thiệt hại cho 7.000 nhà đầu tư. Phía sau tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là những lỗ hổng cơ chế: nhập nhèm phát hành trái phiếu đại chúng - riêng lẻ; những tiêu chí mù mờ về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định thiếu chặt chẽ về công khai, minh bạch thông tin.

Trước đó, vụ án thao túng giá chứng khoán của tỉ phú Trịnh Văn Quyết, cũng cho thấy chính sách quản lý về thị trường chứng khoán còn rất nhiều bất cập. Hay việc lách thuế của các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia như Google, Facebook, YouTube... Các tập đoàn này kiếm hàng tỉ USD tại VN thông qua các nền tảng trực tuyến nhưng lại nộp thuế rất ít. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, Bộ Tài chính mới rốt ráo vào cuộc sửa nghị định yêu cầu bắt buộc kê khai, nộp thuế.

Trong cơn bão của cuộc cách mạng 4.0, chính sách chậm ngày nào càng thiệt hại ngày đó. Chậm ban hành luật lệ trong đầu tư giao dịch tiền điện tử; sở hữu, thuế khóa đối với tài sản kỹ thuật số... sẽ khiến nhà đầu tư vừa lo sợ, vừa cảm thấy không được bảo vệ. Và đương nhiên các trường hợp “kỳ lân công nghệ” như Sky Mavis - công ty phát triển game NFT Axie Infinity tỉ USD đình đám toàn cầu, họ sẽ đặt trụ sở tại Singapore chứ không phải VN.

Làm chính sách mà không có những quy định rõ ràng, minh bạch; càng mù mờ, khó hiểu càng dễ lách, dễ đẻ ra “giấy phép mẹ, giấy phép con”. Để khắc phục điều này, thì hẳn là không chỉ tuyên truyền, giáo dục ý thức mà được.

Theo Anh Vũ (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm