Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chợ quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu rồi, tôi ít đi chợ. Thường thì mỗi sáng cũng chỉ ghé vào một sạp hàng gần nhà mua thực phẩm đủ dùng trong ngày, còn lại là đồ mua từ siêu thị.

Những ngày áp Tết, ra đường thấy không khí rộn ràng, các cửa hàng nối dài trên từng tuyến phố rực rỡ sắc màu, tấp nập người vào ra, lòng tôi cũng chộn rộn niềm vui. Thốt nhiên, ký ức lại ùa về, nhớ sao là nhớ những ngày tíu tít theo mẹ đi chợ quê sắm Tết.

Cũng như mọi miền quê khác, chợ quê tôi là một nét đẹp văn hóa gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của người dân thuần hậu, chất phác. Chợ không phải chỉ để mua bán mà còn là nơi bà con xóm làng gặp gỡ, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Đôi khi, chỉ một lời chào cùng nụ cười rạng rỡ, dăm ba lời hỏi thăm thân tình về chuyện gia đình, con cái cũng khiến lòng người thêm ấm áp, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.

Có lẽ vì vậy mà chợ quê đi vào ký ức của nhiều thế hệ, theo họ trên mọi nẻo đường đời dù sau này họ không còn sống ở quê hương, không còn được đi chợ quê mỗi ngày.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Lúc còn sống, dù đã xa quê nhiều năm, nhưng trong những câu chuyện má kể cho chị em chúng tôi nghe luôn có hình ảnh chợ Đàng-nơi má đem những sản vật làm được đi bán và mua thức ăn đồ dùng về cho gia đình.

Mỗi lần có dịp về quê, tôi đều tìm đến khu chợ này. Đó là một ngôi chợ làng nhỏ, người mua người bán đều rất thân tình. Đường sá bây giờ đã được trải nhựa, phương tiện giao thông thuận lợi nên việc đi chợ không còn vất vả như má kể ngày xưa, phải quang gánh đi bộ từ sớm, phải đi bộ một quãng đường dài. Chợ chủ yếu bán những loại thức ăn quê nhà, những hàng thực phẩm khô, thịt cá, rau củ như nhiều chợ quê khác.

Tôi đến đây chủ yếu để tìm về ký ức trong những câu chuyện của má. Những người cùng thời với má hầu hết đã đi xa, nhưng hồn quê trong khu chợ vẫn như xưa, vẫn đầm ấm tình cảm quê hương, vẫn thân tình trong từng câu chuyện. Chợ quê vẫn luôn thôi thúc người về thăm quê là vì thế.

Có một chợ quê nhỏ bé, gọi là “chợ chồm hổm”, đã đi suốt một thời tuổi thơ tôi. Đây là một khu chợ tự phát, mỗi người đem những thứ của nhà làm được ra bán và mua về những thứ cần thiết. Chợ nằm ngay con hẻm vào nhà nên tôi vẫn thường được má sai đi mua những đồ lặt vặt. Lớn hơn một chút, tôi còn giúp má cắt rau nhà trồng, bó thành từng bó mang ra bán.

Những ngày đó thật vui, ai gặp nhau cũng chào mời rất vui vẻ. Cây nhà lá vườn nên việc mua bán cũng không quá khắt khe. Nhớ nhất là những phiên chợ ngày Tết. Ai cũng đua với thời gian để bán cho kịp những ngày trước Tết, nhất là hoa.

Mua sắm bây giờ không khó, có thể không cần ra khỏi nhà bạn đã có đủ những thứ mình cần, nhưng những khu chợ dân dã vẫn là một điểm đến hấp dẫn. Mỗi lần về thăm một vùng đất nào đó, người ta thường thích ra những khu chợ làng, đôi khi không phải để mua gì mà chỉ để ngắm nhìn cuộc sống.

Chợ là nơi thể hiện khá rõ nét đời sống người dân. Cuộc sống trù phú ấm no thì sẽ có nhiều hàng hóa bày bán, tấp nập người bán người mua. Chợ còn là thước đo cho sự vén khéo của những cô, những bà nội trợ. Người xưa có câu “Trai khôn tìm vợ chợ đông”. Đi chợ, tính toán việc mua bán không dễ dàng gì, nhất là khi tài chính eo hẹp.

Mỗi chợ quê đều có những vẻ đẹp riêng. Đó là cái đẹp của lao động, của sự thu vén, của những ấm áp chân tình trong tình làng nghĩa xóm. Người đem ra bán có lúc lại không bán mà sẵn sàng gửi tặng cho người quen như những món quà thơm thảo. Vậy nên, chợ quê gom góp bao yêu thương cho những đứa con quê lớn lên, trưởng thành với những cảm xúc đẹp còn mãi.

Có thể bạn quan tâm