Nhưng bên cạnh việc biến cơ hội thành hiện thực thì một vấn đề không kém phần quan trọng là chọn "giá đúng" để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia chuỗi giá trị thay vì chỉ là bến đỗ gia công cho các công ty nước ngoài.
Nhìn lại lịch sử thu hút vốn FDI của Việt Nam , bên cạnh những thành công thì cũng còn không ít thua thiệt, hạn chế. Đó là việc một số doanh nghiệp nước ngoài gây ra các sự cố ô nhiễm môi trường, chuyển giá trốn thuế, và đặc biệt là thiếu liên kết với doanh nghiệp trong nước, không chuyển giao công nghệ, thậm chí sử dụng các ưu đãi được hưởng để chèn lấn khối nội. Những hạn chế đó, phần lớn là do chúng ta chưa đủ kinh nghiệm nên chưa tranh thủ được nguồn lực này.
Thời điểm hiện tại thì mọi thứ đã khác. Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thu hút FDI, bài học từ thực tiễn, từ các mô hình trên thế giới đều đã kinh qua. Quan trọng hơn, Việt Nam đang nắm trong tay những lợi thế mà không phải nước nào cũng có được. Đầu tiên phải kể đến là đất hiếm, một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn cần thiết cho nhiều ngành công nghệ cao.
Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc đều đang chạy đua để có được nguồn cung đất hiếm sử dụng cho xe hơi điện, điện thoại di động và các sản phẩm khác trong khi Việt Nam có trữ lượng lớn, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực trẻ dồi dào... Đó là những lợi thế và cũng là vị thế để Việt Nam có quyền "chọn giá đúng" khi thu hút vốn đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Vậy giá đúng là giá nào ? Đó là phần mà Việt Nam nhận được đổi cho những lợi thế và ưu đãi của mình. Khi có quyền chọn, hãy tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu hao ít năng lượng. Đây là xu hướng của thế giới mà các doanh nghiệp của ta khi xuất khẩu ra nước ngoài cũng phải đáp ứng, đồng thời là chủ trương của Đảng và Chính phủ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như chiến lược giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050 mà chúng ta đã cam kết.
Bên cạnh đó, cần ràng buộc chặt chẽ về chuyển giao công nghệ, tranh thủ nguồn lực ngoại để nâng cao năng lực của khối nội, thúc đẩy tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đừng để vài chục năm sau nhìn lại mới nhận ra hệ sinh thái của những "đại bàng" đến làm tổ ở Việt Nam cũng được họ mang theo từ nước họ vào còn các doanh nghiệp nội vẫn đứng ngoài vì "không làm nổi cái ốc vít". Thực tế, những vấn đề này cũng không có gì mới, cũng được đề cập nhiều lần nhưng hình như cứ khi đi vào đàm phán cụ thể chúng ta lại chỉ tập trung vào ưu đãi, tìm hiểu yêu cầu của đối tác để tìm cách đáp ứng mà quên đi "phần của mình".
Thu hút và giải ngân vốn FDI 8 tháng năm 2023 lập kỷ lục cho thấy Việt Nam vẫn đang là lựa chọn của các dòng vốn đầu tư trên thế giới. Tận dụng, tranh thủ được nguồn lực này như thế nào để tăng trưởng kinh tế đất nước đúng với mục tiêu lại thuộc về năng lực cũng như trách nhiệm của chính chúng ta.