(GLO)- Gần đây, dư luận có quá nhiều lời bình về câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường phổ thông trên cả nước. Và trong một cuộc hội thảo gần đây về văn hóa học đường hiện nay, nhiều giáo sư và nhà giáo đã bàn sâu về câu khẩu hiệu này với các ý kiến trái chiều.
Người bảo cần bỏ đi vì nó không còn phù hợp với xu thế mới, nhưng cũng có ý ngược lại cho rằng cần nhận thức đúng về nội hàm của câu nói kinh điển này để vận dụng vào thực tế học đường một cách tích cực, thiết thực nhằm giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện như mục tiêu giáo dục chúng ta đang nhắm tới.
Trong bài viết ngắn này, tôi không có ý tranh luận về ý nghĩa cũng như phản biện việc nên hay không nên bỏ câu khẩu hiệu này mà chỉ nêu một số luận điểm của cá nhân về câu nói có tính giáo dục truyền thống xưa nay ở môi trường học đường trên đất nước chúng ta.
Trước hết, về khách quan, câu khẩu hiệu ở các trường phổ thông đang dùng “Tiên học lễ, hậu học văn” mang hàm nghĩa tích cực, phù hợp với truyền thống của giáo dục phương Đông, trong đó có Việt Nam, vốn coi trọng lễ nghĩa trong văn hóa giao tiếp giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng. Ở từng giai đoạn lịch sử, câu nói trên tuy mang ý nghĩa rộng-hẹp khác nhau nhưng cũng không vượt ra ngoài quy phạm về giáo dục con người hoàn thiện giữa đức và tài. Ngày nay, nội hàm của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được mở rộng để phù hợp với nền giáo dục mở nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, hoàn thiện nhân cách phù hợp với xu thế xã hội phát triển và hiện đại. Chữ “lễ” ở đây, chúng ta hiểu trong phạm vi là đạo đức, lễ nghĩa… Đó là những tiền đề căn bản để học làm người đối với chủ thể một con người đang trong giai đoạn phát triển, lập thân. Còn chữ “văn” được hiểu theo nghĩa rộng là kiến thức nói chung, bao hàm cả tri thức tự nhiên và xã hội thông qua quá trình học tập, đào tạo mà có được, gồm cả lý thuyết, thực hành lẫn những kỹ năng cần thiết. Cả hai vế của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là một chỉnh thể và bổ sung cho nhau: học lễ là bổ sung, làm nền cho học văn và ngược lại, học văn để củng cố cho học lễ được bền chặt và sâu sắc. Trong thực tế giáo dục, hai khái niệm này được thể hiện song hành, không có sự tách biệt.
Ở đây, chúng ta cũng cần gác lại cách hiểu chữ “lễ” trong “lễ giáo” dưới thời phong kiến. Bởi lẽ, nền giáo dục lễ giáo ấy khiến con người chỉ biết tuân theo một cách thụ động, trên bảo thì dưới phải nghe và làm theo một cách máy móc. Điều đó sẽ làm hạn chế việc khai mở tư duy, giải phóng sức sáng tạo của con người. Còn đối với nền giáo dục khai phóng, không có nghĩa là chỉ truyền thụ tri thức đơn thuần, tức là chỉ khai mở kho kiến thức của nhân loại và kích thích sự sáng tạo tối đa để hình thành các tri thức mới mà thiếu sự giáo dục lễ tiết, lòng khoan dung, nhân ái và đức tính chân thành, trung thực… Điều đó quả là tồi tệ, không thể lường hết được những hậu quả mà nền giáo dục lệch chuẩn ấy mang lại cho con người và xã hội. Nói tóm lại, giáo dục mà không rèn đạo đức, lễ nghĩa thì khác nào dựng ngôi nhà mà không xây móng hoặc có thể điều ấy sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm robot của thời hiện đại mà thôi.
Từ nhận thức đúng về chữ “lễ” trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, chúng ta càng hiểu thêm chữ “đức” và “tài” trong lời dạy của Bác Hồ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Chữ “tài” ở đây được hiểu là kiến thức, trí tuệ. Như vậy, đức và tài là một chỉnh thể của nhân cách và là mục tiêu nền giáo dục hiện đại nước ta hướng đến hiện nay.
Vấn đề mà chúng ta cần bàn tới là làm thế nào để đưa nội hàm của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vào thực tiễn học đường một cách tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Trong thực tế, nền giáo dục chúng ta hiện nay đang tồn tại nhiều khiếm khuyết. Sau những lần cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa nhưng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, nhất là những tệ nạn, tiêu cực trong học đường đang làm ô nhiễm môi trường giáo dục mà không có phương án tốt để khắc phục một cách triệt để nhằm đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp căn cơ để lái con thuyền giáo dục đi đúng hướng, tức là giữ được thăng bằng giữa một bên là “lễ” và “văn”, “đức” và “tài” theo quan niệm mới.
BÙI QUANG VINH