Thời sự - Bình luận

Chuyển đổi số phải là câu chuyện "nói thật và làm thật"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây, bên cạnh những kết quả đạt được về xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nửa đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Ủy ban đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, để “chuyển đổi số phải là câu chuyện nói thật, làm thật, hướng đến lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số phải là câu chuyện nói thật, làm thật, hướng đến lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệpẢnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là yêu cầu bắt buộc của Chính phủ trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời giúp các cấp, ngành thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.

Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục phát triển: đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã, phường toàn quốc.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký, tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27% (mục tiêu đề ra là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66% (mục tiêu đề ra là 65%).

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc chuyển đổi số vẫn còn nhiều bất cập. “Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số”, “An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức”, “Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số”…

Đó chỉ là 3 trong rất nhiều tồn tại, vướng mắc được Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, nhất là khi những chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 tỷ lệ hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu đề ra, khi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc kế hoạch năm.

Đó là “tỷ lệ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng chưa cao; vẫn còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất”, dẫn đến người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51% và 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm nay phải hoàn thành 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến...

Nguyên nhân được chỉ ra là do “Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm”, “Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu”, “Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số”...

Vì thế, khi nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: “Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo. Tránh tư duy cát cứ thông tin!”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đề ra chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số và đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 20% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%... và mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thông minh.  

Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho công cuộc chuyển đổi số; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm mục tiêu cho chuyển đổi số; chính họ chứ không ai khác là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số là để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, chuyển đổi số phải là câu chuyện “nói thật và làm thật”.

 

 ĐÌNH CƯƠNG

 

 

Có thể bạn quan tâm