Tin tức

Chuyên gia TQ: Tư tưởng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã lỗi thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tư tưởng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã không còn phù hợp và thậm chí là lỗi thời trong hoàn cảnh mới, một số chuyên gia nhận xét.
 
Trung Quốc cải tạo và bồi lấp trái phép Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh: NY Times)
Zhang Jie – chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – kể lại, tình hình căng thẳng gia tăng vào năm 2013, khi Trung Quốc bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng, bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Tôi đã rất sốc khi nhìn thấy máy bay Trung Quốc hạ cánh trên Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Cách đây vài năm, tôi từng tới đi qua nơi này, khi đó, nó là một bãi đá nổi tự nhiên trên mặt biển”, chuyên gia Zhang chia sẻ.
Trung Quốc đã tôn tạo trái phép Đá Chữ Thập của Việt Nam thành đảo nhân tạo và xây dựng đường băng dài 3 cây số. Tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc còn cho xây dựng trạm quan sát thời tiết, bệnh viện, hệ thống radar, các tòa nhà phục vụ cho mục đích dân sự hoặc quân sự.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, đường băng mới được xây dựng ở Đá Chữ Thập hầu như không được sử dụng. Mỗi tuần, chỉ có một lần hạ cánh và cất cánh của máy bay vận tải quân sự với nhiệm vụ tiếp tế hoạt động ở đường băng này.
Sự hiện diện của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng khiến các nước trong khu vực Biển Đông vô cùng bất mãn. Các chuyên gia nhận định, đây là hành động nhằm củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh âm mưu độc chiếm Biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò”, tuyên bố chủ quyền tới hơn 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước xung quanh như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Indonesia.
 
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông (ảnh: SCMP)
Mỹ và các nước châu Âu cũng nhiều lần chỉ trích chính sách bành trướng, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng, việc xây dựng, tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông là nhằm phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia cùng khu vực, thậm chí là cho quốc tế, song chẳng mấy ai tin.
Zhang Mingliang – giáo sư chuyên nghiên cứu về biển Đông tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu – cho rằng, những dịch vụ công cộng mà Trung Quốc cung cấp cho cộng đồng quốc tế ở Biển Đông là rất hạn chế. Trong khi đó, các đảo nhân tạo trái phép dường như giống một “căn cứ”, giúp ngư dân, tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá tàu của nhiều nước láng giềng.
Hôm 10.6, khi đang đi chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 96416 TS đã bị một ca nô Trung Quốc chèn ép, gây sóng lớn, khiến 16 ngư dân rơi xuống biển.
Trước đó, vào đầu tháng 4, tàu cá Việt Nam cũng bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm.
Indonesia cũng nhiều lần cáo buộc tàu đánh cá, tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, có hành vi khiêu khích.
“Những tranh chấp gần đây là kết quả của tư tưởng coi Biển Đông là lợi ích độc quyền không cần chia sẻ của Bắc Kinh. Quan điểm này đã rất lỗi thời”, ông Zhang Mingliang nhận xét.
Theo ông Zhang Mingliang, Trung Quốc cần phải thay đổi tư tưởng, hợp tác với các nước trong khu vực, cùng chia sẻ tài nguyên Biển Đông để duy trì hòa bình, ổn định lâu dài.
Đồng quan điểm trên, ông Rommel Banlaoi – Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu An ninh và Tình báo Philippines – cho rằng, Trung Quốc nên tôn trọng và cởi mở hơn với các nước có quyền, lợi ích hợp pháp ở Biển Đông.
“Các nước trong khu vực Biển Đông cần hợp tác vì sự phát triển chung để mang lại lợi ích cho người dân”, ông Rommel Banlaoi chia sẻ.
Vương Nam-SCMP (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm