Xã hội

Gia đình

Chuyện “nhóm họ” ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cưới xin là việc trọng đời người. Vì là lễ trọng nên gia chủ thường lo liệu chu toàn, không chỉ mong cho đôi trẻ hạnh phúc mà còn là dịp bày tỏ mối thịnh tình với họ hàng, láng giềng, bạn bè quyến thuộc gần xa.

Tôi vừa tham dự một lễ vu quy ở thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Theo tìm hiểu của tôi, phần nhiều cư dân của xã thuộc diện đi kinh tế mới từ năm 1986; quê gốc ở tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hải Dương. Những năm gần đây, đời sống người dân phát triển, nhiều hộ sở hữu 5-7 ha đất canh tác, nhiều gia đình xây nhà tiền tỷ. Kinh tế khá giả nên đời sống tinh thần ngày một nâng cao. “Quê thói” theo đó có điều kiện được nhắc nhớ, thực hiện, nhất là trong việc cưới hỏi.

Trong đám cưới, tuy phần lễ được tinh giản, không phải tiến hành đủ “lục lễ” nhưng lại nảy sinh vài “lễ con”. Trong đó, không thể thiếu tiệc “nhóm họ”. Tham dự tiệc đâu chỉ là người trong họ, mà tất thảy hàng xóm. Biên độ hàng xóm khá rộng, trong thôn, ngoài xã, bạn bè thân thiết được mời dự vào chiều hôm trước. Thức món dành cho bữa tiệc nhóm họ do gia đình tự nấu; tiệc đãi diễn ra ngay khuôn viên gia đình, kéo rộng sang sân vườn nhà láng giềng.

Từ sớm, gia đình đã tiến hành mổ heo, mổ bò. Nhân lực xử lý nhờ người có tay nghề, huy động thêm tay ngang. Phải đôn đáo mượn dao thớt, thuê xoong nồi, dựng rạp từ hôm trước. Bữa trưa hôm ấy, các tay “đao thủ” cùng người trong gia đình thưởng thức các món “ăn xổi” bốc khói thơm lừng, chí ít cũng 5 mâm. Chưa kịp lửng dạ, tỉnh người đã vào tiệc nhóm họ. Vào tiệc theo giờ đã định nhưng tan tiệc lại tùy khách ngẫu hứng. Tinh thần văn nghệ, sự tự tin vào khả năng ca hát được đánh thức bởi ly rượu, món ăn ngon, phong phú; dàn karaoke, ánh đèn sân khấu. Vui thì dăm bài đơn ca, song ca các kiểu; còn rủ theo từng tốp múa phụ họa. May mà hương ước có quy định giờ “diễn” văn nghệ không quá 22 giờ.

Trưa hôm sau vào chính tiệc cưới, quan viên hai họ, khách mời vào cỗ. Cuối ngày, gia đình cùng ngồi lại, có ly rượu “rút kinh nghiệm”! Tinh mơ ngày kế tiếp, người chưa kịp tỉnh đã áo xống chuẩn bị đón họ nhà trai sang lễ xin dâu. Vừa tiễn họ đằng trai, quay vào nhà đã rối um việc đưa dâu cho kịp giờ định lễ rước dâu. Đến trưa hôm sau, đại diện nhà trai (thường là bố, mẹ) cùng cô dâu, chú rể sang lễ lại mặt.

Việc cưới hỏi như ở vùng quê tôi kể trên dường như nay đã trở nên phổ biến. Vẫn biết “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng những đám cưới như thế liệu có nên khi mà mọi người dân đang chung tay thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới.

Có thể bạn quan tâm