Xã hội

Gia đình

Chuyện thường ngày :"Con mắt" thứ 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Camera được xem là “con mắt” thứ 3 của nhiều bậc cha mẹ trong việc giám sát, quản lý, thậm chí là bảo vệ con cái từ xa. Nhưng sử dụng “con mắt” này như thế nào để thực sự hữu ích, tránh gây ra sự ức chế cho con cũng cần được cha mẹ lưu tâm.
Cách đây 4 năm, khi cậu con trai đầu đậu vào Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, anh chị bạn tôi thuê nhà cho con trọ học. Nhưng sau đó, không yên tâm, anh chị quyết định mua 1 căn hộ chung cư cho con ổn định chỗ ở để học hành. Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất của anh chị vẫn là không biết làm thế nào để quản lý, nắm bắt tình hình của con từ xa. Phương án cuối cùng được lựa chọn là lắp đặt camera. Họ thảo luận, hỏi ý kiến và nhận được sự đồng ý của con trước khi tiến hành lắp đặt. Ở TP. Pleiku, anh chị có thể quan sát con hàng ngày, từ chuyện nấu ăn, tiếp khách, ngủ nghỉ của con đều tường tận từ A đến Z. Từ lúc ấy, 2 vợ chồng mới hoàn toàn yên tâm khi để con trai đi học xa nhà.
Lắp camera giám sát con là phương án được rất nhiều gia đình lựa chọn, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ mà cha mẹ thường xuyên phải đi làm xa. Chị bạn tôi ly hôn chồng và một mình nuôi 2 con nhỏ. Chị buôn bán ở chợ đêm nên thường xuyên vắng nhà buổi tối, để 2 con tự chăm sóc nhau. Chị cho hay, camera là phương tiện đắc lực giúp chị an tâm hơn khi phải để con ở nhà buổi tối bởi mọi động tĩnh chị đều có thể quan sát được từ xa. “Có hôm đang giữa đêm bán ngoài chợ tôi phải hộc tốc chạy về nhà vì nhìn qua camera thấy có người lạ đứng ngoài cửa. Về nhà, người lạ đã đi rồi, vào trong thấy 2 con đang say ngủ tôi mới thở phào nhẹ nhõm”-chị kể. Theo chị, lắp camera là để giám sát con nhưng còn mua sự yên tâm cho bản thân, đặc biệt là với một bà mẹ trẻ đơn thân như chị.
Anh chị tôi cũng nhờ camera mà ngăn chặn được nhiều trò nghịch dại của con. Có lần, cậu con trai lớn rủ bạn cùng xóm về nhà chơi trò đốt giấy. Khi chị tôi mở camera thấy khói mù mịt ở phòng khách lập tức gọi điện nhờ người thân gần đó đến kiểm tra vì cả 2 vợ chồng đều làm việc ở huyện, cách nhà hàng chục cây số. Nếu không nhìn camera phát hiện kịp thời, trò chơi của con trẻ có thể dẫn đến hỏa hoạn, tai họa khôn lường.
 Hiện nay, có rất nhiều loại camera hỗ trợ cho phụ huynh, nhất là loại có thể vừa quan sát, vừa gọi điện được. Cha mẹ có thể gọi về để nhắc nhở con ngay khi thấy cần thiết. Tuy nhiên, người lớn cũng cần suy xét việc lắp đặt camera và quản lý con một cách hợp lý. Có nhiều gia đình giám sát con thái quá thông qua camera mà không quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ. Chị tôi kể: “Có lần con gái nói với tôi rằng mỗi lần thấy “con mắt” camera nhấp nháy, cháu tưởng tượng tôi hoặc ba nó đang nhìn nó chằm chằm khiến cháu làm gì cũng thấy rất áp lực. Còn cậu con trai thì phản ứng bằng cách quay camera vào tường và nói rằng, suốt ngày con cảm thấy bị ai đó theo dõi”. Còn cậu bé hàng xóm học lớp 7 cạnh nhà có lần muốn bỏ nhà đi thật xa vì bị camera quản thúc. “Ba mẹ con xem camera xong thì suốt ngày thi nhau gọi điện thoại nhắc nhở đủ thứ chuyện, chuyện gì cũng nhắc, cũng la mắng, con thấy chán lắm cô ơi”-cậu bé than vãn.
Chỉ nên xem camera là công cụ hỗ trợ, quan sát, đảm bảo sự an toàn cho con khi vắng mặt. Dù vậy, “con mắt” nhìn từ xa này không thể thay thế con mắt cha mẹ và trên hết, cần quan sát con bằng trái tim chứ không nên bằng công cụ. Đừng bỏ qua cảm xúc của những đứa trẻ. Khi chúng cảm thấy bị tước mất sự tự do sẽ nảy sinh phản ứng, tìm cách đối phó hoặc sẽ gây ra những trạng thái tâm lý bất ổn mà cha mẹ rất khó phát hiện. Vì vậy, mặc dù đặt camera để bảo vệ, quản lý con cũng cần tôn trọng một không gian riêng trong thế giới tuổi thơ của trẻ.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm