Xã hội

Gia đình

Chuyện thường ngày: Ngăn đàn ông bạo hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cậu bé 16 tuổi chiều nào cũng chạy bộ cùng tôi ngoài Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) để chuẩn bị tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh sắp tới. Ở tuổi trăng non, cậu luôn ríu rít như một chú chim. Có hôm, cậu còn bị tôi nạt: “Đàn ông con trai mà nói nhiều quá”. Vậy mà cả tuần rồi, chú chim non ấy bỗng trở nên ủ rũ, không còn hào hứng kể chuyện như thường ngày. Tôi gặng hỏi thì cậu bé thổ lộ: “Ba em ngày nào cũng đánh đập mẹ, hôm nào đi nhậu về càng gây sự nhiều hơn. Em thấy thương mẹ quá mà không biết phải làm sao. Hôm vừa rồi vì không chịu nổi ba đánh đập mẹ vô cớ, em đã cãi hỗn. Ba còn dọa giết em. Biết ba nói lúc đang nóng giận nhưng em thấy sợ hãi”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Học trò của chị gái tôi có lần tâm sự, sở dĩ em học hành sa sút cũng bởi luôn căng thẳng vì sợ bố đánh mẹ. Em học trò ấy còn kể, có lần, sau khi cãi nhau to, bố em đã đánh mẹ một trận “thừa sống thiếu chết”. Đỉnh điểm là ông ta còn cắt đứt một phần tai vợ. “Mấy chị em em đưa mẹ lên trạm y tế xã để khâu vết thương nhưng phải nói dối là mẹ bị ngã. Em vừa sợ hãi vừa xấu hổ vì sợ người ta biết chuyện”-em kể chuyện cũ mà vẫn chưa hết kinh hoàng.
Đàn ông bạo hành là chuyện “xưa như trái đất”, diễn ra hàng ngày, hàng giờ bất kể ở nông thôn hay thành thị, bất kể thành phần, học vấn. Nhưng có bao nhiêu gia đình đang gánh chịu nạn bạo hành đến giờ vẫn là con số khó xác định dù hàng năm các tổ chức xã hội có làm thống kê. Dù truyền thông, xã hội lên án nhưng nạn bạo hành vẫn diễn ra. Có biết bao người phụ nữ vẫn phải cắn răng gánh chịu những trận đòn được trút xuống bởi người được gọi là “chồng”, là “bạn đời” chỉ cốt để giữ cho cửa nhà được yên ấm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và một số địa phương từ lâu đã lập đường dây nóng để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp bị bạo hành. Nhưng dường như có rất ít cuộc gọi đến. Không ít tổ hòa giải được thành lập cũng không có nhiều việc để làm. Không phải vì bạo hành không còn, phụ nữ không cần được giúp đỡ mà “sợi dây đạo đức” trói buộc tâm lý của người trong cuộc: sợ điều tiếng. Tôi từng viết bài về một tổ hòa giải như vậy ở một địa phương. Thú thực, tôi không tin lắm vào phương pháp này có thể đẩy lùi nạn bạo hành một khi người trong cuộc không vùng dậy đấu tranh. Một thành viên tổ hòa giải từng kể rằng, có gia đình kia, anh chồng là bộ đội thường xuyên đánh vợ nhưng người vợ không dám kể với ai chuyện bị bạo hành vì sợ ảnh hưởng đến công tác của chồng. Chính những người hàng xóm đã phải đứng ra cầu cứu giúp chị. Tổ hòa giải cử người đến nói chuyện một vài lần, tưởng đâu chuyện được giải quyết vì anh chồng tỏ thái độ rất hợp tác, hiểu ra cái sai. Nhưng sau đó, mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Thành viên này kể: “Tôi không lý giải được về mặt khoa học nhưng hình như những người đã đánh vợ thì họ rất khó từ bỏ hành vi này. Chúng tôi muốn đấu tranh để bảo vệ phụ nữ, đẩy lùi nạn bạo hành nhưng chỉ nói suông thì không thể, mà luật pháp lại rất khó can thiệp. Đặc biệt, phụ nữ vẫn có tâm lý chung là giấu nhẹm chuyện gia đình để đỡ phải “xấu chàng hổ ai”. Một khi người trong cuộc vẫn còn mang nặng tâm lý này thì sẽ còn rất khó khăn để đẩy lùi”.
Còn tâm lý những đứa trẻ sẽ như thế nào nếu chứng kiến nạn bạo hành trong gia đình chắc không cần phải nói nhiều. Chúng sợ hãi, xấu hổ, học hành sa sút, thậm chí nặng hơn có thể trầm cảm. Ai có thể hiểu được, đong đếm được mức độ tổn thương của những đứa trẻ này. Vì vậy, những người phụ nữ muốn bảo vệ bản thân, bảo vệ những đứa con và thay đổi hình ảnh xấu xí của một bộ phận đàn ông Việt thì đừng ngại lên tiếng. Vì chỉ có tiếng nói, sự đấu tranh của chính người trong cuộc mới có sức nặng quyết định biện pháp khác để cùng bảo vệ phụ nữ một cách hiệu quả.
MINH CHÂU

 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm