Thời sự - Bình luận

Chuyện tiệc tất niên  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bữa tiệc tất niên là bữa tiệc diễn ra lúc sắp hết năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Bữa tiệc này ngoài những ý nghĩa về mặt ăn uống, còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống góp phần gắn kết cộng đồng.

 

Tiệc tất niên đãi người lao động tại một khu trọ tại TPHCM. Ảnh cắt từ video



Cứ độ cuối tháng Chạp mặc dù ai nấy cũng đều bận bịu trong nỗi lo toan của các công việc cuối năm, nhưng mọi người đều không quên tổ chức và tham dự những bữa tiệc tất niên.

Anh Đặng Văn Chiến (30 tuổi) đang làm việc ở Hà Nội cho biết, vào dịp cuối năm anh thường tham gia một số bữa tiệc tất niên như: Tất niên với công ty, tất niên với đội bóng, tất niên với bạn bè học đại học ở Hà Nội, tất niên với bạn bè ở quê…

Tùy theo từng nhóm mà cách thức tổ chức bữa tiệc tất niên có sự khác nhau, với trường hợp công ty thì lãnh đạo là người quyết định thời gian và địa điểm tổ chức sự kiện. Thời gian diễn ra sự kiện sớm hay muộn tùy thuộc vào đặc thù của công việc, có thể diễn ra từ giữa tháng Chạp đến 26, 27 tháng Chạp, theo anh Chiến thì những công ty Bất động sản như anh đang làm thường tổ chức tất niên sớm, bởi dịp cuối năm ít việc nên mọi người hay nghỉ Tết sớm.

Công ty bất động sản nơi Đặng Văn Chiến đang làm việc đã tổ chức bữa tiệc tất niên từ giữa tháng Chạp. Bữa tiệc tất niên của công ty anh diễn ra rất trang trọng tại nhà hàng, với sự tham gia của lãnh đạo công ty, các đối tác và toàn thể thành viên.

Trong bữa tiệc tất niên mọi người giao lưu vui vẻ, chia sẻ những câu chuyện kinh doanh và cuộc sống, qua đó thắt chặt hơn mối quan hệ giữa các thành viên trong công ty.

Bên cạnh bữa tiệc của công ty làm việc, anh Chiến còn tham gia đội bóng nên vào dịp cuối năm mọi người cũng tổ chức tất niên. Về mục đích của bữa tiệc tất niên đội bóng và tiệc tất niên ở cơ quan cũng đều là tổng kết một năm, nhưng tiệc tất niên đội bóng thường diễn ra đơn giản hơn.

Từ giữa tháng Chạp các thành viên trong đội bóng đề xuất tổ chức bữa tiệc tất niên, sau đó mọi người cùng nhau bàn bạc và thống nhất thời gian, địa điểm. Thường những bữa tiệc tất niên của các đội bóng, bạn học đại học… sẽ được diễn ra tại một hàng quán nào đó. Trong bữa tiệc một người sẽ đại diện để tổng kết lại một năm hoạt động, sau đó mọi người cùng ăn uống chúc mừng nhau.

Bên cạnh những bữa tiệc tất niên trên đây, ở các đô thị khoảng 10 năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện tất niên khu dân cư. Tất niên khu dân cư thường diễn ra trong không gian công của khu, với sự tham gia của hẻm, ngõ, tổ dân phố… Nội dung của bữa tất niên ở khu dân cư ngoài liên hoan người ta còn tổ chức các hoạt động khác như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

PGS.TS Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết ngõ nhỏ nhà ông đã có 10 năm tổ chức tất niên, đây là một nét văn hóa đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, cơ sở của văn hóa này chắc từ cách ứng xử lâu đời của người Việt, với tư tưởng “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Tiệc tất niên là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, trong cuốn “Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam”, quyển hạ, nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2005, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh ghi: Các bạn hàng buôn bán sống với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một dinh, một sở, nhân ngày Tết đến đều có bữa tiệc tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về ăn Tết. Các bạn hàng trong buổi tất niên này có sữa lễ cúng thánh sư rồi cùng nhau ăn uống. Các công chức nơi công sở lấy bữa tiệc tất niên để cùng vui và nhân đó chúc tết nhau trước khi ai nấy về quê ăn Tết.

https://laodong.vn/van-hoa/chuyen-tiec-tat-nien-1136533.ldo

Theo LÝ VIẾT TRƯỜNG  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm