Thời sự - Bình luận

Chuyện tưởng dễ, hóa ra lại khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện lạ thu hút sự chú ý của nhiều người là lần đầu tiên xuất hiện trên đất nước ta một người đánh giày ở phường Tân Quang, TP Tuyên Quang chỉ nhận thanh toán bằng cách quét mã QR code, với lý do: “Chuyển tiền vào đây còn tiết kiệm được, chứ đưa tiền mặt thì tôi tiêu hết nhanh lắm.”
 
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một người đánh giầy bình dị lại có thể thực hiện được không nhận thanh toán bằng tiền mặt, yêu cầu khách hàng quét mã QR code, mà các nhà quản lý không tổ chức cho cả xã hội làm, cứ kêu là khó thực hiện vì lý do này lý do kia để vấn đề nêu ra rồi lại chìm trong quên lãng kiểu ném đá xuống ao bèo.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trong cuộc hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” tại TPHCM gần đây nêu rõ, không dùng tiền mặt thanh toán sẽ giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ.
Lắng nghe lời phát biểu của Phó Thủ tướng, dễ dàng nhận diện ngay ra lợi ích đem lại cho xã hội nhiều như vậy khi không dùng tiền mặt, nhưng sẽ có một số người lại không thích chút nào, đó là những người sợ minh bạch, công khai; sợ phòng chống tham nhũng, sợ chống rửa tiền, sợ chống tội phạm kinh tế. Số người đó lại rơi vào quan chức có quyền thế hoặc đang là các nhà kinh doanh giầu có mà số tiền họ hiện có nhiều gấp tỉ tỉ lần so với tiền lương hàng tháng hoặc nguồn thu nhập chính đáng của bản thân họ.
Nếu như vậy thì việc xã hội không dùng tiền mặt, đang bị một lực cản  làm cho chậm thực hiện. Bởi thế, chuyện tưởng dễ (người đánh giày bình dị thực hiện dễ dàng việc không nhận khách hàng thanh toán bằng tiền mặt) hóa ra lại khó, bởi một số ngưới  không muốn tổ chức thực hiện vì đụng chạm đến lợi ích của họ....
Vậy những ai, những cơ quan quản lý nhà nước nào, đến lúc nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm quyết liệt phá lực cản này, để như mong muốn của Phó Thủ tướng là nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ.
Câu hỏi đó đang để ngỏ!
 Nguyễn Đoàn (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm