(GLO)- Trong cuộc sống, họ là vợ chồng; trong công việc, họ là đồng chí, đồng đội. Vì vậy ở họ luôn có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và động viên, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi bố là… người lạ!
Đó là câu chuyện tưởng đùa nhưng có thật với nhiều gia đình quân nhân. Là bởi, thời gian các anh ở bên gia đình quá ít ỏi, trong khi thời gian xa vợ, xa con lại đằng đẵng. Thượng tá Bùi Đình Hiền-Chính trị viên Đội công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) bộc bạch: “Thời gian trước, tôi công tác ở Sư đoàn 2 (Quân khu 5) nên vài tháng mới được về thăm nhà một lần, mỗi lần về cũng chỉ 1-2 ngày. Có lần, tôi vừa về đến nhà, cậu con trai lớn chừng hơn 1 tuổi đang chơi trước sân nhìn thấy chạy nhanh vào núp sang lưng mẹ. Mặc cho bố mẹ dỗ dành, cu cậu nhất quyết không lại gần bố, mà cứ bập bẹ câu: “Người lạ…bố…”. Phải mất cả buổi sáng hôm sau, cậu bé mới cho “người lạ” bế và đến khi 2 bố con “bén” hơi nhau cũng là lúc anh phải khoác ba lô trở lại đơn vị.
Những người lính luôn cần một hậu phương vững chắc để yên tâm làm tốt nhiệm vụ tại đơn vị. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Còn câu chuyện về người bố là cái bóng trên tường của Thiếu tá Huỳnh Hải Yến-nhân viên Tổng đài (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) lại khiến chúng tôi liên tưởng đến “Chuyện người con gái Nam Xương” trong Truyền kỳ mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ. Chồng chị Yến-Thượng tá Nguyễn Thanh Quảng (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động) thường xuyên công tác xa nhà. Do đó, mọi việc trong, ngoài đều một tay chị vun vén. “Khi đó, kinh tế còn khó khăn nên ngoài công việc chuyên môn tại cơ quan, mình nhận gia công thêm khuy áo vào buổi tối. Để có thời gian làm việc và cũng để tránh câu hỏi quen thuộc “Bố đâu mẹ?” của các con, mình vừa ngồi may khuy áo vừa chỉ vào cái bóng trên tường và nói với các con: “Đó là bố. Các con nói chuyện với bố đi”. Hai cậu bé lúc ấy còn quá nhỏ lại ít được gặp bố nên tưởng thật. Đến khi bố được nghỉ phép về thăm nhà, thay vì chạy đến ôm bố, cả 2 đều nhất quyết không nhận vì bố bên ngoài khác với người bố mà tối nào chúng cũng nói chuyện... Thay vì nghe lời con trẻ rồi nghi ngờ, ghen tuông, Thượng tá Quảng luôn nhất mực tin tưởng vợ. Có lẽ đó cũng chính là động lực để bao năm qua, dù phải 2 lần “vượt cạn” không có anh, rồi nhiều lần 3 mẹ con ôm nhau nhập viện vì con ốm... song chị luôn vượt qua để nuôi dạy các con thật tốt. Con trai lớn của anh chị nay đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, con trai út đang theo học tại Trường Nội trú Quân khu 5.
Thấu hiểu và cảm thông
Thượng tá Bùi Đình Hiền (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tranh thủ giúp vợ mỗi khi có thời gian. Ảnh: P.D |
Thiếu tá Huỳnh Hải Yến-nhân viên Tổng đài (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh): “Khó khăn nhiều, nhưng có một gia đình quân nhân là điều khiến mình luôn tự hào. Nếu được chọn lựa lần nữa, mình vẫn sẽ chọn một người lính làm chồng”. |
Làm vợ của lính thôi đã thấy khó khăn, huống hồ cả 2 đều là lính. Hẳn mái ấm ấy phải cần lắm sự cố gắng và hy sinh. Trả lời cho câu hỏi “Vào những ngày lễ, ngày Tết có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng?”, Thiếu tá Huỳnh Hải Yến mỉm cười nói: “Có chứ, nhưng chỉ thoáng qua thôi! Vì hơn ai hết, mình thấy anh mới là người thiệt thòi hơn cả”. Sự thiệt thòi mà Thiếu tá Huỳnh Hải Yến nhắc tới chính là điều kiện sống, làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do anh công tác ở nơi biên giới xa xôi, cách trở. Một thiệt thòi nữa là anh không được ở bên cạnh để chứng kiến, cảm nhận những giây phút con chào đời cũng như quá trình con trưởng thành, không có nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con... Chính vì hiểu rõ công việc, hiểu cả những thiệt thòi hàng ngày anh phải chịu nên chưa một lần chị hờn giận, trách móc. Thay vào đó, chị luôn sắp xếp việc nhà, việc cơ quan một cách khoa học và hợp lý, thỉnh thoảng chị còn gọi điện, gửi những món quà nho nhỏ lên biên giới để động viên anh và đồng đội. Thượng tá Nguyễn Thanh Quảng cho rằng chính sự chia sẻ, động viên của vợ con là động lực để anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Còn Thượng tá Bùi Đình Hiền thì cho hay, dù không thể ở cạnh mỗi khi vợ con cần nhưng vào những ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm của gia đình... các anh đều nhắn gửi, gọi điện thăm hỏi như một cách động viên, chia sẻ. Hay mỗi khi có dịp về thăm nhà, các anh đều dành trọn vẹn thời gian bên gia đình và chẳng nề hà những việc như nấu cơm, giặt đồ, lau dọn nhà cửa... “Vài năm trở lại đây, tôi được thuyên chuyển công tác về cùng đơn vị với vợ nên cả 2 có nhiều thời gian dành cho nhau. Ngoài giờ hành chính, chúng tôi cùng nhau làm vườn, chăm sóc con cái, chơi thể thao...”- Thượng tá Bùi Đình Hiền kể về hạnh phúc hiện tại.
Phương Dung