E-magazine Cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 
 

Những ngày này, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đang tập trung xây dựng nhằm hoàn thiện 2 mã vùng trồng cho 250 ha sầu riêng để hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Mục tiêu của HTX là xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc. Muốn vậy, chúng tôi phải hoàn thiện quy trình thiết lập mã số vùng trồng.

Những năm qua, huyện Chư Pưh đã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng, song sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Hiện sản phẩm sầu riêng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX-cho hay: “Hợp tác xã liên kết với 62 hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng cao và được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX đã thiết lập được vùng trồng và đang làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng cho 177 ha sầu riêng. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới”.

 
 

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Để hỗ trợ người dân canh tác sầu riêng hướng đến mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và một số doanh nghiệp vận động bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng mã vùng trồng.

Mới đây, UBND huyện Đức Cơ và HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên đã ký bản ghi nhớ hợp tác, liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm sầu riêng trên địa bàn. Theo đó, HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên sẽ xây dựng xưởng sơ chế và kho đông lạnh bảo quản sầu riêng phục vụ xuất khẩu, thu mua quả sầu riêng, gắn với hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết. Đồng thời, HTX hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện Đức Cơ sẽ hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng.

 
 

Để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch thuận lợi, giữ được uy tín thương hiệu, ông Nguyễn Minh Tứ cho rằng: Điều quan trọng là phải giữ được diện tích khi đã cấp mã số vùng trồng và tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng mới. Nếu không quản lý tốt mã số vùng trồng, để doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu quá số lượng cho phép, hay mang hàng từ nơi khác trộn vào thì rất dễ bị xóa mã số vùng trồng khi phía nước nhập khẩu tiến hành hậu kiểm. “Vì vậy, ngoài sự nỗ lực canh tác theo tiêu chuẩn của bà con nông dân và các HTX thì cơ quan chức năng cần phải quyết liệt kiểm soát vấn đề này”-ông Tứ nêu giải pháp.

 
 
 

Bên cạnh thiết lập vùng trồng thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh cũng hết sức quan trọng. Giai đoạn 2016-2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền cho 10 sản phẩm địa phương được cấp văn bằng bảo hộ, 3 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ, 1 sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn xin chứng nhận nhãn hiệu. Nói về việc hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm sầu riêng, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng và nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định ưu thế đặc sản sầu riêng Gia Lai, thời gian đến, Sở sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này. Việc đăng ký bảo hộ và quản lý, sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa lớn, tạo thương hiệu có tính bền vững cao.

 

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, Gia Lai đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 ha sầu riêng, trong đó có hơn 1.700 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 25 tấn/ha. Trong đó, các giống: Dona, Ri6, Musang King đang được nông dân canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, từng bước hình thành chuỗi liên kết. Hiện sầu riêng trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán cho thương lái mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc vì chưa có cơ sở chế biến được cấp mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để bà con nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang tích cực tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, người dân thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, chuẩn bị điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

 

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Một trong những tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đối với thị trường này, 2 tiêu chí quan trọng là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các loại dịch hại trên quả sầu riêng. Do đó, để sầu riêng xuất khẩu bền vững thì người dân và các HTX cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc đưa ra. “Nghị định thư cho phép nhập khẩu mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải sản xuất đảm bảo chất lượng. Việc này phải làm đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.

 
 

Có thể bạn quan tâm