Câu trả lời là "chưa đủ". VN đang có khoảng 65% dân số tham gia mạng xã hội (MXH). Đã có bao nhiêu người trong số đó được hướng dẫn về nhận thức và chỉ dẫn cụ thể về hành vi để tự điều chỉnh ứng xử của mình trên MXH? Chúng ta không có con số thống kê cụ thể, nhưng không quá khó để nói rằng các chủ thể quản lý có trách nhiệm liên quan vẫn chưa làm được nhiều việc cần làm để nâng cao năng lực tham gia truyền thông xã hội cho công dân. Đừng chỉ trông chờ vào hiệu ứng răn đe của việc xử lý nghiêm các vụ lùm xùm điển hình trên mạng, mặc dù việc răn đe đó là cần thiết. Nhưng giải pháp răn đe đó cũng chỉ là giải pháp ở đầu ngọn. Giải quyết vấn nạn này cần phải ưu tiên nhiều hơn vào chiến lược và nỗ lực giáo dục nâng cao năng lực tham gia truyền thông cho công dân, nhất là công dân trẻ.
Bên cạnh những giải pháp tự điều chỉnh thông qua quy tắc cộng đồng của các nền tảng MXH, bên cạnh sự can thiệp quyết liệt của các nhà quản lý để kiểm soát trật tự trên MXH, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ công nghệ thông minh để tăng cường hiệu quả giám sát và quản lý MXH, các quốc gia phát triển còn rất đề cao chiến lược giáo dục hiểu biết cơ bản và nâng cao năng lực tham gia truyền thông (news literacy) cho công dân.
Cũng phải nhận thức rành mạch rằng, ngoài số đông người dùng tham gia MXH trong tâm thế của người tiêu thụ truyền thông, còn có một số lượng ngày càng tăng các chủ thể tham gia MXH trong vai trò sản xuất, tạo lập thông tin và tìm kiếm lợi nhuận dựa vào môi trường này. Không ít trong số này sẵn sàng bước qua các giới hạn cần phải có về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Họ sẵn sàng theo đuổi một kiểu "hạch toán" phi đạo đức như: tấn công - chịu phạt - hưởng "thặng dư" lợi nhuận. Họ chủ động tạo ra các vụ lùm xùm, các drama làm tổn thương nhiều người để khai thác sự chú ý của công chúng hòng đạt được lợi nhuận truyền thông. Sau đó sẵn sàng chấp nhận mức xử phạt mà họ đã biết trước và đã đưa vào công thức "hạch toán". Trừ số tiền bị xử phạt rồi, họ vẫn còn kha khá "thặng dư" lợi nhuận.
Đó thật sự là thứ "thặng dư" rất nhẫn tâm có thể làm sai lệch số phận con người, có thể làm méo mó các giá trị nền tảng, và có thể làm rối loạn xã hội liên tục tới mức có thể làm băng hoại văn hóa.
Công cụ luật pháp được áp dụng trong trường hợp này có thể rơi vào tình thế éo le. Nếu cứ để các vụ lùm xùm diễn ra rồi xử phạt, thậm chí muốn phạt nặng thì phải chờ "tích lũy" đủ các dấu hiệu hành vi nghiêm trọng thì coi như luật pháp cũng rơi vào bẫy "thặng dư" đã được những kẻ này giăng sẵn.
Vậy thì phải cần đến cách nghiêm trị kiểu "knock-out". Đó là xây dựng và áp dụng quy định ràng buộc trách nhiệm các nhà cung cấp dịch vụ MXH phải tước quyền tham gia dài hạn hoặc vĩnh viễn đối với những kẻ vi phạm. Có khó cũng phải quyết mà làm!