(GLO)- Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội và một số tờ báo liên tục đưa tin về các cuộc giao dịch lan giả hạc (phi điệp) đột biến lên đến nhiều tỷ đồng. Tại Gia Lai, theo thông tin từ giới chơi lan, gần đây cũng đã có vài cuộc giao dịch lên đến hàng tỷ đồng từ 1 kie (mầm) lan đột biến.
Khi tiếp nhận thông tin này, dư luận có nhiều luồng khác nhau, thậm chí trái chiều. Nhiều người cho rằng, đây là chiêu trò bịp bợm nhằm mục đích quảng cáo để bán hàng, thổi giá. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là chiêu rửa tiền hoặc hành động ra oai theo kiểu “anh hùng rơm” của một số đại gia.
Trong khi đó, với những người chơi lan chuyên nghiệp thì 1 kie lan đột biến cũng có thể có giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ chiêu trò nhằm mục đích vụ lợi của một số cá nhân.
Theo các chuyên gia, thị trường lan đột biến đang trong giai đoạn “bong bóng” nên có thể vỡ bất cứ lúc nào. (ảnh: internet) |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Phạm Thăng Bằng-chủ vườn lan Bangupes (hẻm 50, đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku) từng ủng hộ hơn 1,8 tỷ đồng cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 từ việc bán đấu giá cây lan Da Vàng-cho biết: Thị trường lan, đặc biệt là lan đột biến rất phức tạp, nhất là ở một số tỉnh phía Bắc. Không ít người nuôi lan, buôn bán lan nhưng không đam mê loài hoa này. Họ chạy theo lợi nhuận nên không từ một thủ đoạn nào, kể cả lừa đảo.
Theo anh Bằng, thời gian gần đây, thị trường lan ở Gia Lai trở nên sôi động, với mức giao dịch ước tính hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng theo chủ vườn lan Bangupes, thị trường lan ở Gia Lai tương đối “lành”. Phần lớn người mua đều xuất phát từ niềm đam mê, còn người bán thì xem trọng chữ tín. Vì vậy, trên thị trường chưa xảy ra xung đột giữa người bán và người mua hoặc xuất hiện tình trạng lừa đảo.
“Lành” là vậy, song qua thâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy, thị trường lan ở Gia Lai đang manh nha những yếu tố có thể tạo ra hệ lụy về sau.
Trước hết, nguồn tiền chảy vào thị trường lan đột biến khá nhiều. Theo chúng tôi được biết, riêng tại TP. Pleiku có đến hàng chục cá nhân hoặc nhóm kinh doanh lan đột biến. Không ít người sở hữu vườn lan đột biến trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhiều người vì thiếu vốn nên phải hùn hạp hoặc vay mượn để sở hữu loại lan này.
Hoạt động của thị trường lan đột biến chủ yếu là mua đi-bán lại kiếm lời hoặc nhân kie bán giống. Cũng vì “say” lan đột biến mà không ít người bỏ tiền mua hàng trăm giò lan để tham gia trò chơi “xổ số” đầy bất trắc.
Theo các chuyên gia, thị trường lan đột biến đang trong giai đoạn “bong bóng” nên có thể vỡ bất cứ lúc nào. Vì vậy, những người tham gia thị trường này cần tỉnh táo khi bỏ ra một khoản tiền khá lớn để gom hàng chờ giá lên.
Một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nữa là mặt hàng lan đột biến không có cơ sở để định giá mà dựa trên sự “thuận mua vừa bán”. Vì vậy, những người kinh doanh đơn độc dễ mắc vào “ma trận” của những kẻ lừa đảo.
Tại TP. Pleiku cũng đã từng có người nhẹ dạ cả tin mua 1 kie lan được cho là đột biến với giá vài chục triệu đồng kèm theo lời hứa: Năm sau, cây lan này sẽ “đẻ” 4-5 con và thu về hàng trăm triệu đồng! Cuối cùng, sự thật đã được phơi bày khi đây không phải là lan đột biến như quảng cáo.
Hiện nay, hoạt động mua bán lan nói chung, lan đột biến nói riêng chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội. Đây là phương thức mua bán vô cùng thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người mua. Rủi ro đến mức mà có chuyên gia cho rằng, 99% lan mua qua mạng xã hội là... thịt lừa! Ngoại trừ một số ít vườn lan kinh doanh chân chính, phần lớn là các shop giả mạo thương hiệu để lừa đảo khách hàng.
Chơi lan là thú tao nhã. Sở hữu một vườn lan đẹp hay những giò lan quý là mơ ước của không ít người. Không những chơi lan, nhiều người đã từng khởi nghiệp thành công và trở thành tỷ phú từ lan. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào nuôi trồng hoặc kinh doanh loài hoa này, thiết nghĩ, mọi người cần nghiên cứu để nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như đặc điểm thị trường. Không nên vì hám lợi mà lao vào thị trường lan như con thiêu thân để chuốc lấy hậu quả khôn lường.
DUY LÊ