Tin tức

Con bạch tuộc IS mọc thêm vòi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc Mỹ tuyên bố chiến thắng trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tạo nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Đa số ý kiến cho rằng Washington đã quá vội vàng và chủ quan, khẳng định không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm mống cực đoạn IS.
Điều này có cơ sở khi IS mới đây tiết lộ đã lựa chọn được một thủ lĩnh mới, tiếp tục nhiệm vụ gieo rắc tư tưởng khủng bố cũng như đào tạo các thế hệ tay súng tàn bạo của tổ chức này.
Âm ỉ thay máu
Cái chết của trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi trong một chiến dịch tuyệt mật của Mỹ được coi là chiến thắng quan trọng đối với công cuộc tiêu diệt tổ chức cực đoan IS. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì hãng tin truyền thông của IS đã phát đi thông tin lựa chọn Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi kế nhiệm al-Baghdadi.
Thủ lĩnh mới, trong một đoạn video kéo dài gần 10 phút, tuyên bố là hậu duệ của người sáng lập đạo Hồi - nhà tiên tri Muhammad, đưa ra những lời kêu gọi thánh chiến đầy mạnh mẽ đối với những tay súng trung thành với IS, cũng như thúc đẩy quá trình tuyển mộ thêm nhiều thành viên mới.
Những ngôn từ đầy tính hiếu chiến lan truyền trên mạng, thúc giục tàn dư khủng bố thực hiện mục tiêu cuối cùng của al-Baghdadi nhằm giải thoát tù nhân IS bị giam cầm, bổ sung các tay súng kinh nghiệm và trung thành vào đội ngũ thánh chiến, đồng thời cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về những cuộc trả thù đẫm máu.
Nguy hiểm hơn, Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi đe dọa không chỉ tiếp tục cuộc chiến ở mặt trận Trung Đông mà sẽ mở rộng phạm vi thánh chiến sang những khu vực trước nay vẫn rất yên bình để tiếp tục duy trì sự nghiệp của IS.
 
Cái chết của trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi không đồng nghĩa với việc triệt tiêu hoàn toàn mầm mống cực đoan IS.
Nhiều ý kiến cho rằng, IS của thời điểm hiện tại chỉ như cái bóng mờ nhạt so với thế lực hùng mạnh trước kia, vẫn âm ỉ gieo rắc hệ tư tưởng cũng như âm thầm tuyển quân để duy trì hoạt động. Một số dấu hiệu cho thấy IS đang “hồi sinh”, như theo ước tính của Liên Hiệp Quốc vẫn có khoảng hơn 200.000 chiến binh IS lẩn trốn ở Trung Đông, trong khi các chân rết của IS chưa hề cho thấy dấu hiệu ngừng hoạt động sau chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi.
Tổ chức này có thể toan tính thiết lập lãnh địa mới và trải rộng ở Đông Nam Á, đặt một số quốc gia như Malaysia, Philippines hay Indonesia trước nguy cơ đối mặt cuộc chiến dài hơi chống lại tư tưởng thánh chiến cực đoan.
Sự xuất hiện của Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi phản ánh thực tế rằng hệ tư tưởng IS vẫn “sống”, từ đó tiếp tục gây ra ảnh hưởng kích động tấn công theo kiểu “sói đơn độc” hoặc trở thành kim chỉ nam cho chiến lược khủng bố của nhiều tổ chức trung thành với IS ở bất kỳ khu vực hay quốc gia nào. Bên cạnh đó, nhân lực của IS vẫn luôn là điều bí ẩn khi không ai biết chính xác số lượng thành viên của tổ chức khủng bố này, chưa kể đến việc IS còn thao túng mạng lưới khổng lồ bao gồm gián điệp, vận chuyển hay hậu cần liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tài chính cũng là lý do giúp IS rình cơ hội trỗi dậy, bởi lẽ IS có rất nhiều cách để kiếm tiền, từ thao túng các giếng dầu và thị trường dầu mỏ, xâm nhập vào vùng kinh tế chợ đen đến trao đổi ngoại tệ và kinh doanh bất động sản. Thế nên, càng bị vùi dập, IS lại càng vùng lên với tham vọng khủng bố toàn cầu chưa bao giờ bị dập tắt, vượt xa al-Qaeda.
Quả bom nổ chậm
Việc Nhà nước Hồi giáo có thủ lĩnh mới càng khiến liên minh quốc tế chống IS thêm gánh nặng, nhất là trong bối cảnh liên minh này đang loay hoay tìm kiếm giải pháp xử lý vấn đề công dân từng gia nhập IS. Dư luận chẳng hề thể hiện sự quan tâm với một số đề xuất hồi hương cựu binh IS, chủ yếu là công dân châu Âu, trước mối nguy “ngựa quen đường cũ” khó đoán định.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại chưa thể tìm thấy tiếng nói chung, luôn đùn đẩy trách nhiệm liên quan đến vấn đề tù binh IS đang bị giam giữ tại Syria và Iraq, bất chấp các động thái họp khẩn gần đây của liên minh chống IS tại Washington.
 
Tư tưởng của IS vẫn tồn tại, tiếp tục kích động tấn công theo kiểu “sói đơn độc”.
Nếu như Washington yêu cầu châu Âu phải có nghĩa vụ với công dân của mình thì nhiều quốc gia “lục địa già” tỏ vẻ lưỡng lự, né tránh bằng những lo ngại an ninh xã hội hay thách thức về cải tạo - tái hòa nhập cộng đồng. Anh và Áo “phớt lờ” sức ép từ Mỹ, giữ vững quan điểm cứng rắn sẽ không hồi hương các công dân gia nhập IS, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi tiếp nhận và đưa các đối tượng này ra xét xử.
Trong một tuyên bố tuần qua, Đức nhấn mạnh các tay súng thánh chiến đã đi theo lý tưởng cực đoan, quay lưng lại với chính phủ cũng như pháp luật Đức. Từ đây, Đức đã phê chuẩn dự luật tước quyền công dân Đức với cá nhân mang 2 quốc tịch nếu phát hiện họ tham gia hoạt động khủng bố nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, thách thức từ các tù nhân hay tay súng IS hiện đang bị giam giữ đang tạo nên những “quả bom nổ chậm”. Theo tin tình báo, Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi cùng tay chân đang âm mưu thực hiện kế hoạch vượt ngục quy mô lớn, giải phóng cho tù nhân khủng bố IS. Chưa hết, IS toan tính đưa các thủ lĩnh cấp cao chạy trốn theo chiến lược “rải rác” nhằm bảo đảm tính mạng cho những bộ não của tổ chức, cũng như phân phối nguồn quỹ ở nhiều vùng để cấp tiền cho các hoạt động thánh chiến.
Nguy cơ hiện hữu, bởi lẽ tội phạm, một khi được tự do, sẽ kết nối với các “chân rết” mạng lưới khủng bố để tiếp tục truyền bá hệ tư tưởng cực đoan và thay đổi các phương thức khủng bố. Nền hòa bình thế giới tiếp tục bị đe dọa và bối cảnh này đòi hỏi những nỗ lực can thiệp nhanh chóng, dứt khoát, đồng thuận trên phạm vi quốc tế...
Nguyễn Tuyết (An Ninh thế giới Online/tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm