Xã hội

Gia đình

Con đã lớn rồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Chiều ấy, chị bạn nhắn tin nhờ tôi hỏi giúp giáo viên chủ nhiệm lớp con chị là bao giờ con thi. Tôi đọc xong tin nhắn liền trả lời với chị rằng, con chị đã học lớp 12 rồi, việc học là việc của cháu, cháu có thể hỏi bạn bè qua điện thoại, tương tác mạng xã hội.
Tôi chỉ cần cuộc điện thoại chưa đến 1 phút là có thể hỏi được, nhưng tôi không hỏi, chị hãy cho cháu số điện thoại của tôi, nếu không thể hỏi được ai nữa thì hãy nhấc máy gọi cho tôi. Chị ấy đã khó chịu với tôi sau cuộc nói chuyện đó, bảo rằng tôi khó khăn quá, không giúp thì thôi chị hỏi người khác. Tôi trả lời luôn, tôi không ích kỷ gì cả, việc đó là việc của cháu, phải tự làm. Vậy mà chị giận tôi. Tôi tâm sự với anh bạn chuyện này, anh nói mình cũng đã gặp nhiều trường hợp như vậy, nghĩa là cha mẹ đang làm thay con những việc rất vô lý, như thể sống thay chúng vậy.
2. Một bữa cuối tuần, tôi với con trai đi ăn sáng. Con tôi 2 tuổi rưỡi, dù tay chưa khéo nhưng cháu đã biết dùng đũa. Vào quán ăn sáng được tự chọn món và phải ăn cho hết. Nhìn thằng bé loay hoay, đòi thêm tương, mắm vào tô phở mà ai cũng nhìn, kêu sao mẹ không giúp cháu để cháu làm mất thời gian quá, mà tô phở chẳng còn ra thể thống gì nữa. Tôi trả lời, mình không phải là con, mình đâu biết con muốn ăn gì, muốn nêm nếm ra sao. Nhìn sang bàn bên cạnh, có một cậu bé (có lẽ học cấp THCS nhưng cao hơn người mẹ đi cùng) đang được mẹ dỗ dành và đút từng muỗng để kịp giờ đi học, nào là ăn rồi mẹ thương, nhanh lên kẻo trễ. Tôi thầm trách người lớn tại sao phải chăm bẵm cho con mình đến mức bảo bọc khi cháu đã tự làm được rất nhiều việc. Bằng tuổi ấy thời trước, nhiều người đã tay bồng bế em, tay chụm củi thổi lửa nấu cơm. Cũng có thể đó là sự so sánh khập khiễng, nhưng thực tế là chỉ sau 30 phút mẹ con tôi thủng thẳng ra khỏi quán, còn mẹ con chị bàn bên cạnh lại quáng quàng vì sắp trễ.
3. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, câu nói của cha ông để lại ý nói cách giáo dục, môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là những trẻ em trong độ tuổi hình thành nhân cách. Vì sao ngày nay trẻ học rất giỏi nhưng thiếu khả năng tự lập, kiểm soát? Phải chăng vì gia đình ít con, mỗi đứa trẻ nếu không được ba mẹ dạy dỗ đúng cách sẽ trở thành “trung tâm của vũ trụ”. Ông bà, cha mẹ sợ con mệt, ảnh hưởng đến việc học nên thường tranh nhau làm thay con những việc mà bản thân con có trách nhiệm phải thực hiện, ví dụ như việc tự chăm sóc cơ thể, giúp làm việc nhà. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để trẻ tự trưởng thành. Chúng ta không ít lần bắt gặp hình ảnh trẻ con bất cẩn té ngã, ông bà chạy lại đỡ, đánh cái ghế làm cháu ngã, rồi xuýt xoa cháu… Đó chính là cách dạy cho trẻ cách không biết chịu trách nhiệm, đổ vấy cho người khác khi làm sai. Để rồi khi lớn lên, chúng như những chú “gà công nghiệp” chỉ biết ăn, học, ngủ mà không biết tự chăm sóc bản thân, không biết quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, không thấu hiểu được cảm xúc của người khác. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, không có người thân ở bên, chúng lại loay hoay không biết cách giải quyết dẫn đến nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm, phản ứng tiêu cực.
Sự giáo dục của mỗi gia đình là nền tảng vững chắc để con vào đời. Hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu rõ con mình nhất nên cần yêu thương con một cách đúng đắn, hãy nắm lấy tay con qua từng giai đoạn phát triển và hãy mạnh dạn buông tay để con lớn theo đúng độ tuổi của mình. Suy cho cùng, có ai sống được với con mình mãi mãi. Vậy nên các bậc cha mẹ hãy để con lớn, để con tự tin vững bước vào đời.
THIỀU TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm