Xã hội

Gia đình

Công tác dân số ở Gia Lai: Vẫn còn khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, việc thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là chính sách “dân số và phát triển” gặp nhiều khó khăn, nhất là với lối nghĩ công tác dân số đơn thuần là giảm sinh, là KHHGĐ vốn đã ăn sâu trong tâm trí người dân và ngay cả một số cán bộ dân số. Ngoài ra, kinh phí hoạt động dành cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn hẹp. Trong điều kiện đó, giải pháp chủ yếu là xã hội hóa và đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, công tác truyền thông, vận động đòi hỏi sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên cơ sở. Hiện toàn tỉnh có trên 2.700 cộng tác viên dân số. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ này mấy năm gần đây không thay đổi, thậm chí còn giảm nên chưa thể động viên họ yên tâm công tác. Ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho biết: Kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số quá thấp, chỉ 150 ngàn đồng/người/tháng đối với những xã đặc biệt khó khăn; các xã, phường, thị trấn còn lại chỉ 100 ngàn đồng/người/tháng (giảm 20 ngàn đồng/tháng so với trước) theo tinh thần Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về mức chi hỗ trợ cho cộng tác viên dân số. Ngoài ra, chi phí cho mỗi ca triệt sản ít nhất cũng tầm 2 triệu đồng nhưng chế độ hỗ trợ chỉ 250 ngàn đồng dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu này vô cùng gian nan.
Cộng tác viên DS-KHHGĐ có vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền tại cơ sở. Ảnh: N.N
Kinh phí hỗ trợ thấp lại không kịp thời, nhiều cộng tác viên dân số phải tự động viên mình làm việc vì cộng đồng. Chị Nay HĐương (làng Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Tôi làm cộng tác viên dân số từ năm 2009 đến nay, mỗi tháng hiện được hỗ trợ kinh phí 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ cấp về. Công việc đòi hỏi phải đi tuyên truyền, vận động nhiều, di chuyển thường xuyên rất vất vả; số tiền hỗ trợ hàng tháng không đủ chi phí xăng xe nhưng tôi vẫn làm vì muốn giúp cho cộng đồng”. Tương tự, chị  Kpă HBin (làng Plok, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cũng cho biết, 6 tháng qua chị chưa nhận được tiền hỗ trợ cho cộng tác viên dân số. “Công việc vất vả mà hỗ trợ chỉ có 100 ngàn đồng/tháng là rất thấp, lại chậm cấp về nên nhiều lúc mình cũng muốn bỏ việc. Nhưng nghĩ lại, việc mình làm còn có ích cho buôn làng, cộng đồng nên mình tiếp tục gắn bó cho đến nay”-chị HBin bày tỏ.
Thêm vào đó, ngày 18-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện và Trung tâm Y tế cùng cấp, góp phần hiệu quả trong việc giảm đầu mối về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, với mô hình dân số nằm trong cơ quan y tế hiện nay, cái khó ở chỗ là y tế chờ bệnh nhân đến, còn dân số là đến với khách hàng; y tế giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là chính sách lâu dài. Vì vậy, bước đầu sáp nhập, hoạt động của các đơn vị chưa ổn định, công tác DS-KHHGĐ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hạn chế, nhân lực còn thiếu, cán bộ làm công tác truyền thông DS-KHHGĐ bị điều chuyển đi hoặc xin chuyển công tác dẫn đến tình trạng một người phụ trách nhiều công việc nên hiệu quả chưa cao...
Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-cho biết: “Khắc phục khó khăn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao để thực hiện chính sách dân số trong tình hình mới. Tiếp tục đề xuất tỉnh tăng kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số, nhất là ở cơ sở. Nâng cao hiệu lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách dân số; phát triển mạng lưới và chú trọng chất lượng dịch vụ về dân số đến người dân...”. 
 NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm