Tin tức

Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung: Ván bài sắp hạ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài 9 tháng qua được xem là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều tín hiệu tích cực trong đàm phán giữa hai bên đã mở ra hi vọng hai nước sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại trong thời gian tới.
 
IMF dự báo hoạt động thương mại Mỹ - Trung có thể giảm từ 30 - 70% trong dài hạn nếu 2 nước tăng thuế thêm 25% đối với tất cả hàng hóa. Nguồn: AP
Hiệu ứng dây chuyền
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát từ giữa năm 2018. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/3/2018 đã ký sắc lệnh yêu cầu áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, châm ngòi cho tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Đến tháng 7/2018, hai nước đã đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới bằng các đòn áp thuế “ăn miếng trả miếng”. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Như một hệ lụy tất yếu đã được dự báo trước, cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phủ “mây đen” lên nền kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính cũng biến động mạnh do Mỹ - Trung leo thang căng thẳng thương mại. Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 là 2,9%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó là 3%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay. Tương tự, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc cũng bị hạ triển vọng tăng trưởng năm 2019. Những dự báo bi quan này phản ánh thực tế là nền kinh tế toàn cầu trong những tháng đầu năm nay đã tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Cục diện hiện nay đã sáng sủa hơn so với nhiều tháng trước đây. Nền kinh tế thế giới vốn đang chững lại sẽ bắt đầu hồi phục trong nửa cuối năm 2019 – phần lớn là nhờ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thu hẹp được sự khác biệt trong vấn đề thương mại.
Phó Giám đốc Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc IMF Annine Marie Glude

Bên cạnh việc làm tổn thương kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương. Trong báo cáo công bố mới nhất, IMF nhận định rằng hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm từ 30-70% trong dài hạn nếu hai nước tăng thuế thêm 25% đối với tất cả hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, việc áp dụng mức thuế quan 25% sẽ khiến Mỹ mất đi 0,6% tăng trưởng kinh tế và mức thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ là 1,5%. 
IMF cho biết, ảnh hưởng của việc áp thuế đối với Trung Quốc lớn hơn trên mọi mô hình giả định vì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với chiều ngược lại. Sản xuất hàng điện tử cùng các ngành chế tạo khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi ngành nông nghiệp của Mỹ cũng chứng kiến sự suy giảm đáng kể nếu tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang. IMF cảnh báo rằng tình trạng các DN chuyển hoạt động từ Trung Quốc và Mỹ sang Mexico, Canada và Đông Á sẽ xảy ra và những thay đổi như vậy sẽ mang theo số lượng việc làm đáng kể rời khỏi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngân hàng này dự báo sẽ có khoảng 1% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thiết bị giao thông vận tải của Mỹ mất việc làm. Con số này là 5% đối với các ngành chế tạo ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, ở quy mô nhỏ hơn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tác động tới nhiều nước châu Á. Theo tờ Wall Street Journal, Nhật Bản, Australia và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á lo ngại ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà một cuộc chiến tranh thương mại nếu leo thang có thể gây ra.
 
Ảnh minh họa
Đàm phán sắp “cán đích”
Bắc Kinh và Washington đang tìm kiếm một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đang khiến 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tổn thất hàng tỷ USD, gián đoạn các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính. Mỹ mong muốn những thay đổi trong chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc, bao gồm các biện pháp bảo hộ mới đối với sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp bí mật thương mại. Washington cũng hy vọng Bắc Kinh ngừng trợ cấp công nghiệp, mở cửa nền kinh tế nhiều hơn nữa cho các công ty Mỹ, và tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và chế biến từ Mỹ, nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại lên tới 419 triệu USD giữa hai nước.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 3 và đầu tháng 4 tiếp tục đạt tiến triển và về cơ bản, hai bên đã thống nhất thiết lập một cơ chế thực thi mọi thỏa thuận có thể đạt được. Giới phân tích đánh giá những tiến triển thực chất và tích cực nhất được ghi nhận sau vòng đàm phán mới nhất giữa đại diện cấp cao phái đoàn Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Washington hồi đầu tháng này. Dù nội dung cụ thể trong các cuộc đối thoại vừa qua chưa được công bố, song nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cam kết tăng mua các sản phẩm dầu khí, nông sản từ Mỹ và cho phép các công ty Mỹ được nắm giữ toàn bộ cổ phần khi hoạt động tại thị trường này. Đổi lại, Washington có thể hạ thấp hoặc dỡ bỏ toàn bộ mức thuế mới áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh với tổng giá trị 250 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có thêm nhiều nhượng bộ về việc mở cửa thị trường nhằm thúc đẩy ký kết thỏa thuận vào cuối tháng này.
Các chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng những kết quả đáng khích lệ này là cơ sở quan trọng để hai nước hướng tới giải quyết bất đồng thương mại kéo dài nhiều tháng qua. Đặc biệt, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều nhận định, hai bên đã đạt những tiến bộ nhanh chóng và tiến đến rất gần một thỏa thuận chung sớm nhất có thể. Trong khi đó, một tín hiệu tích cực khác cũng vừa được Bộ trưởng Mnuchin tiết lộ khi ông khẳng định một hiệp định thương mại song phương sẽ "vượt xa" những nỗ lực trước đây nhằm mở ra thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ. Ông Mnuchin cũng hy vọng Washington và Bắc Kinh đang đi gần tới vòng cuối của quá trình đàm phán thương mại, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên đang thảo luận về một hiệp định với 7 chương, và sẽ là "thay đổi lớn nhất trong mối quan hệ thương mại 40 năm" giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính Mỹ khẳng định Washington và Bắc Kinh sẽ không đưa ra một "thời hạn chót tùy tiện" để hoàn tất đàm phán thương mại song phương.
Một số nhà phân tích dự đoán, hai nước có thể đạt được một bước đột phá thông qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, chặng đường phía trước chắc chắn sẽ còn dài. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách chiếm lấy vị trí đứng đầu thế giới về công nghệ, trong khi Mỹ cũng quyết tâm bảo vệ vị thế của mình. Do đó, cuộc chiến không chỉ là về vấn đề thâm hụt thương mại, mà còn là cuộc đua để giành ngôi vị bá chủ toàn cầu. Với bản chất như vậy, tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia này sẽ rất khó kết thúc trong “một sớm một chiều”.
Nguyễn Phương (Kinhtedothi) 

Có thể bạn quan tâm