'Ly mặc váy cưới màu trắng, đứng bên chú rể lúc đó 40 tuổi. Xung quanh có 3 cặp cô dâu chú rể nữa. Cả 3 đều là những cặp nên duyên sau buổi tuyển chọn cách đó 1 ngày', bà Nhương nhớ lại, miệng méo xệch vì xúc động.
13 năm lấy chồng Hàn Quốc, Trương Phương Ly (SN 1986, Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) về nước thăm gia đình hơn 10 lần. Thế nhưng, với người mẹ năm nay 75 tuổi, số lần ấy không thấm tháp gì so với nỗi nhớ mong của bà dành cho con. Mỗi lần nhắc đến con, bà lại nức nở...
Ngôi nhà rộng lớn, thoáng mát của bà Nhương tại Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng |
Bà Nguyễn Thị Nhương (mẹ chị Ly) sinh được 4 người con. 1 năm nay, bà Nhương bị tai biến. Các con thuê cho bà 2 giúp việc. Cùng với đó, vợ chồng anh con út là Trương Văn Trường đang làm việc tại Quảng Ninh phải chuyển hẳn công tác về địa phương để sống cùng mẹ.
Một cô con gái lấy chồng làng bên nhưng ngày nào cũng về thăm, trò chuyện và nâng giấc cho bà Nhương. Tuy nhiên, cứ đến tối, bà Nhương lại nhắc nhỏm, mong cuộc điện thoại từ phương xa của chị Ly.
Chị Ly lấy chồng khi mới 20 tuổi. Người nhà cho biết, trước đó, ngay cả chị Ly cũng không nghĩ, chồng chị sẽ là một chàng trai Hàn Quốc. Nhưng sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, cả hai đã nảy sinh tình cảm.
'Thời điểm đó, ở xã Lập Lễ, con gái đến tuổi 18, đôi mươi thường nghĩ đến việc lấy chồng nước ngoài.
Họ đăng ký với bà mối hoặc công ty mai mối rồi tham gia buổi tuyển vợ của các chàng trai Hàn tổ chức ngay tại Thủy Nguyên.
Chị Ly không tham gia buổi tuyển chọn đó nhưng nhóm bạn thân của chị Ly có 6 người thì 5 người đăng ký lấy chồng Hàn.
Một lần, chàng trai Hàn (nay là chồng của chị Ly) đến Việt Nam cùng bạn. Người bạn này sắp cưới bạn thân của chị Ly. Chị Ly được rủ đi chơi chung nên họ quen nhau', anh Trương Văn Trường (SN 1988), em trai chị Ly nhớ lại.
Trường kể, bản thân anh không thích chị gái theo trào lưu lấy chồng nước ngoài. Tuy nhiên, khi chị Ly dẫn chàng trai Hàn Quốc về nhà, Trường không nỡ phản đối.
'Anh ấy không nói được tiếng Việt. Nhà mình cũng không nói được tiếng Hàn. Mọi giao tiếp chỉ thông qua biểu cảm, cử chỉ. Nhưng, mình nhận thấy anh ấy là một người đáng tin, hiền lành.
Anh ấy có thể xắn tay vào làm mọi việc chứ không nề hà bất cứ việc gì. Đồ ăn thức uống, anh cũng không kén chọn', anh Trường nói và hồi tưởng lại lần gặp gỡ đầu tiên với anh rể Hàn cách đây 13 năm.
Vài ngày sau đó, lễ đính hôn của Ly và bạn trai mới quen được công ty mai mối đứng ra tổ chức tại một nhà hàng.
'Ly mặc váy cưới màu trắng, đứng bên chú rể lúc đó 40 tuổi. Xung quanh có 3 cặp cô dâu chú rể nữa. Cả 3 đều là những cặp nên duyên sau buổi tuyển chọn cách đó 1 ngày', bà Nhương nhớ lại, miệng méo xệch vì xúc động.
Kể từ khi bị tai biến, bà Nhương dễ xúc động. Mỗi lần có người nhắc đến chị Ly, bà đều nức nở. |
Theo lời kể nhát ngừng của bà, lễ đính hôn của 4 cặp đôi được tổ chức cùng một lúc với đầy đủ thủ tục: MC tuyên bố lý do, cắt bánh, chụp ảnh và ăn tiệc.
'Nhà trai chỉ có mình chú rể. Nhà gái thì được mời tham dự 3 mâm, mỗi mâm 6 người', bà Nhương nói.
Sau lễ đính hôn, bố mẹ chị Ly được cầm về phong bì 10 triệu đồng - sính lễ của nhà trai. Còn người đàn ông mới 3 hôm trước đến Việt Nam du lịch đã trở thành chú rể, chính thức là con cháu trong gia đình bà Nhương.
'Ít ngày sau, anh ta trở về Hàn Quốc. Ly ở lại Việt Nam vì phải hoàn thành khóa học tiếng Hàn và chuẩn bị những giấy tờ liên quan rồi mới được đoàn tụ với chồng. Thời gian học mất khoảng 3 tháng', bà Nhương nhớ nhưng không chắc chắn về thời gian.
Đến ngày đủ thủ tục, chị Ly sắp xếp hành lý, bắt đầu một cuộc hành trình mà nhiều người cho rằng, đó là cuộc phiêu lưu. Bà Nhương không đi tiễn con.
Lúc mấy chị em đưa Ly lên sân bay, bà Nhương ở nhà, cố làm nhiều việc để đánh lừa cảm xúc của mình. Nhưng những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má.
'Nhớ và thương con lắm, chỉ lo con sang xứ người không được như ý. Nhưng không biết làm thế nào...', bà Nhương nức nở.
Anh Trường, con trai bà Nhương thấy mẹ khóc thì cho biết, kể từ khi bị tai biến, hễ có người nhắc đến chị Ly, bà lại xúc động.
Chị Ly biết vậy nên tối nào cũng điện thoại về cho mẹ, kể cho mẹ những niềm vui bên xứ người.
‘Cũng may, người Lập Lễ đi lấy chồng Hàn Quốc nhiều, nhóm bạn thân của chị Ly tập trung bên đó cả nên chị ấy dễ thích nghi, có chuyện gì cũng có người để chia sẻ’, anh Trường nói.
Ông Đinh Văn Ba - PCT UBND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng xác nhận, hơn 10 năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ trên địa bàn kết hôn với nước ngoài rất cao.
‘Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 1000 người Lập Lễ đang làm dâu xứ người. Trong đó, số nàng dâu tập trung ở Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất’, ông Ba nói.
Vị Phó Chủ tịch UBND xã cũng khẳng định, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đều đang có người sống ở nước ngoài.
Theo ông, việc này góp phần rất lớn cho việc nâng cao chất lượng sống ở Lập Lễ những năm gần đây. Nhiều căn nhà to đẹp đã được dựng lên. Tuy nhiên, việc quá đông phụ nữ trên địa bàn lấy chồng ngoại quốc cũng tạo nên nhiều vấn đề phức tạp tại địa phương.
Minh Anh - Huy Hùng (VIE)