Tin tức

Cựu cố vấn chính phủ Nhật: sáng kiến Vành đai Con đường chỉ 'phô trương chính trị'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một cựu cố vấn của chính phủ Nhật Bản nhận định sáng kiến 'Vành đai Con đường' của Trung Quốc chỉ là một màn phô trương chính trị, thiếu các chương trình giúp ích thật sự cho những nước tham gia.
 
Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda - Ảnh chụp màn hình Financial Times
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 18-10 dẫn nhận định của ông Tadashi Maeda, thống đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), cho rằng Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) - kế hoạch hạ tầng trị giá nhiều tỉ USD của Trung Quốc - thật ra chỉ là một "màn phô trương chính trị" và thiếu thực chất.
"BRI chỉ là một màn phô trương chính trị và không có khái niệm rõ ràng cho thấy đây chính xác là cái gì… Nó hiện diện ở khắp mọi nơi" - ông Maeda nói về sáng kiến trải rộng trên nhiều lục địa này.
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), ông Maeda đánh giá sáng kiến BRI của Trung Quốc thiếu các chương trình mang tính thực tế giúp ích cho các quốc gia đang phát triển.
Vị chuyên gia 61 tuổi cho rằng chính Trung Quốc cũng "không hiểu hoàn toàn" các vấn đề phát triển bền vững và những hệ quả khác liên quan tới các dự án của họ, trong đó có biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, ông Maeda nhấn mạnh nhiều nước tham gia sáng kiến BRI đã gánh chịu những khoản nợ chồng chất liên quan tới các dự án xây dựng của Trung Quốc ở đất nước của họ.
Theo SCMP, Nhật Bản lo ngại các dự án trong BRI đang tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ lo ngại sáng kiến này cuối cùng sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế mà các cường quốc truyền thống duy trì trong thời gian dài.
Sáng kiến BRI đã hứng nhiều chỉ trích từ khi được khởi động vào năm 2013. Bắc Kinh được cho là sử dụng sáng kiến này để thúc đẩy các mục đích chính trị và xây dựng ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Trong bối cảnh sự chỉ trích ngày càng gia tăng, năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngụ ý điều chỉnh chiến lược quảng bá dự án này. Ông Tập nói rằng kế hoạch Con đường tơ lụa mới của ông không nhằm tạo ra một "câu lạc bộ Trung Quốc", mà để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở các nước đối tác.
Trong khi đó, để đối trọng với BRI, Nhật Bản xúc tiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
"Sáng kiến của Nhật Bản lại khác hơn. Nó dựa trên 3 trụ cột: Thúc đẩy thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, và tự do thương mại. Theo cách nào đó, đây là một sáng kiến thay thế BRI" - ông Maeda, người từng là cố vấn đặc biệt cho nội các Nhật Bản, cho biết.
Vị thống đốc JBIC cũng hi vọng sắp tới sẽ kết nạp đảo Đài Loan vào dự án đối trọng Trung Quốc của Tokyo.
Thuật ngữ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" lần đầu xuất hiện và nhận được sự quan tâm trên chính trường Mỹ vào năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton dùng thuật ngữ này để nói về các lợi ích mới của Mỹ trong khu vực. Cách tiếp cận này được củng cố vào năm 2016 khi FOIP được đề xuất.
Chính phủ Mỹ sau đó đẩy mạnh khái niệm này vào năm 2017, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp các mục tiêu quân sự và kinh tế để kiềm chế Trung Quốc cũng như tạo ra các mô hình phát triển thay thế BRI.
Bình An (TTO)

Có thể bạn quan tâm