Tin tức

Đã có tới 60 nhà báo thiệt mạng trong năm 2011

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đúng vào Ngày tự do báo chí thế giới, thi thể hai nhà báo nhiếp ảnh đã được tìm thấy ở Mexico
Đúng vào Ngày tự do báo chí thế giới, thi thể hai nhà báo nhiếp ảnh đã được tìm thấy ở Mexico

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ngày 3-5 đã bày tỏ sự phẫn nộ do số lượng nhà báo thiệt mạng trong năm vừa rồi đã tăng cao và đúng vào Ngày tự do báo chí thế giới, thi thể hai nhà báo nhiếp ảnh đã được tìm thấy ở Mexico.

Ông Ban nói trong một cuộc họp báo ở trụ sở Liên hợp quốc rằng các nhà báo đối mặt với “những đe dọa chết người” và cho biết hơn 60 người đã thiệt mạng trong năm 2011.

Giữa lúc quốc tế đang bày tỏ sự tưởng niệm với những nhà báo như Marie Colvin của Mỹ và Remi Ochlik của Pháp, những người thiệt mạng tại thành phố bạo động Homs ở Syria vào tháng 3, một số nhóm tự do báo chí nói năm nay có thể số nhà báo thiệt mạng còn cao hơn.

Các lực lượng an ninh Mexico ngày 4-5 tìm thấy thi thể đã bị phân hủy của hai nhiếp ảnh gia mất tích, Guillermo Luna Varela và Gabriel Huge, ở một con kênh thuộc bang miền đông Veracruz, theo lời nhà chức trách.

Ở Somalia, phóng viên truyền thanh Farhan Jeemis Abdulle bị các tay súng bắn chết ngay đêm trước Ngày tự do báo chí thế giới, theo lời cảnh sát. Abdulle là nhà báo Somalia thứ năm bị bắn chết trong năm nay.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói có “vô số” các phóng viên “đang đối mặt với đe dọa, quấy rối và kiểm duyệt trong tay chính quyền, các tập đoàn và những cá nhân quyền lực tìm cách bảo vệ quyền lực của mình hoặc che giấu những hành vi sai phạm”.

Tổ chức Phóng viên không biên giới nói trước khi các thi thể của hai nhiếp ảnh gia Mexico được tìm thấy, 22 nhà báo và sáu người viết blog và “báo chí công dân” đã thiệt mạng kể từ đầu năm nay.

Theo Phóng viên không biên giới, năm nhà báo bị sát hại ở Somalia trong năm nay, bốn ở Syria, bao gồm Colvin và Ochlik, hai người ở mỗi nước Bangladesh, Brazil và India, và một người ở mỗi nước Indonesia, Iraq, Lebanon, Nigeria, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

Andrei Netto, một phóng viên thường trú của nhật báo Brazil, O Estado de Sao Paulo, đã bị bắt cóc ở Libya vào năm ngoái, nói điều quan trọng là đưa tin về những cuộc xung đột được chú ý như những cuộc nổi dậy ở Arập.

Phóng viên không biên giới nói hơn 280 nhà báo và người viết blog đã bị bỏ tù trong năm nay, bao gồm 32 ở Eritrea, 30 ở Trung Quốc, 27 ở Iran, 14 ở Syria và năm ở Azerbaijan, nước sẽ là chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong tháng 5.

Ông Ban và các nhóm tự do báo chí đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, trong việc đưa tin về các cuộc nổi dậy ở Libya, Ai Cập và Syria trong 18 tháng qua. “Những tiếng nói mới này và hình thức truyền thông mới đã giúp hàng triệu người giành lấy, lần đầu tiên, cơ hội có một nền dân chủ, cơ hội mà họ đã bị từ chối quá lâu”, ông Ban nói.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm