Thời sự - Bình luận

Đã đến lúc phải tìm cách chung sống, vượt lên COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đà Nẵng, Quảng Nam đã đối mặt với 4 đợt dịch COVID-19 trong vòng chưa đầy 2 năm, và cách ứng xử với dịch bệnh đã có nhiều thay đổi...

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đến thời điểm này, có đến 90% trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch đã đóng cửa. Trong đó, 100 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Du lịch thành phố đã giải thể. Hàng trăm doanh nghiệp còn lại đang dần đóng cửa tiếp vì COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tổng số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc tại Đà Nẵng là hơn 31.000 người. Đây là lý do mà Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ cho người lao động vay vốn để mưu sinh. Chính quyền đã đồng ý về chủ trương này, và hiện đã có trên 2.000 người lao động đăng ký vay. Mỗi người dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 - 5 năm. Lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay vốn không thế chấp...

Lòng tốt thì có sẵn, chủ trương Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện cho dân nghèo, nhưng thực tế không dễ dàng để giải quyết chút nào. Quỹ dự trữ có thể còn, ngân sách có thể tồn, nhưng Luật Ngân sách lại không cho phép chính quyền cho dân vay.

Nếu chuyển cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng giải quyết thì việc cho người nghèo, thất nghiệp "vay không thế chấp" là rất khó khả thi. Ngược lại, chính người lao động mất việc, đang khó khăn cũng không dám đi vay để tiêu dùng. Bởi "miệng ăn núi lở". Còn vay để chuyển nghề, hoặc tìm cách kinh doanh với 100 triệu đồng lúc này là quá khó. Đó là lý do mà chủ trương đã thông qua 1 tháng nay, vẫn chưa có người nào được vay...

Trong khi đó, tại Quảng Nam, thực trạng tê liệt của ngành du lịch cũng khiến hàng vạn lao động mất việc, khó khăn. Tuy nhiên, Quảng Nam không tính phương án cho vay hay hỗ trợ vốn như Đà Nẵng, mà Hiệp hội Du lịch tỉnh đã kiến nghị cho hơn 20.000 lao động lĩnh vực du lịch cả tỉnh được ưu tiên tiêm vaccine. Chủ trương này cũng đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chấp thuận, cho triển khai, để đón đầu kế hoạch tiếp nhận du khách nước ngoài có "hộ chiếu vaccine".

Đây cũng là giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Quảng Nam đã chọn cách đối mặt, chung sống với COVID-19 để phục hồi nền kinh tế.

Tại Đà Nẵng, nếu như ở lần đầu bùng phát dịch COVID-19, cả chính quyền, cơ quan y tế phần nào lúng túng, người dân hoang mang, thì bây giờ mọi ứng xử đã bình thường. Cơ quan chức năng, chính quyền xử lý các điểm bùng phát dịch, ca dương tính SASR-CoV-2 hết sức bình tĩnh, chủ động triển khai các biện pháp "khoanh vùng mềm", hẹp, truy vết nhanh, thực hiện giãn cách chuyên nghiệp. Ngay sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm thì tháo dỡ để người dân tái hoạt động, buôn bán bình thường. Với người dân, việc đón nhận thông tin về dịch bệnh cũng rất điềm tĩnh, tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền.

Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm, thành quả này, Đà Nẵng cũng đã phải "trả giá" rất nhiều, kể cả việc nhiều cá nhân, tập thể bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật, nhiều người dân bị phạt hành chính, truy tố...

Việc liên tục bị các đợi dịch COVID-19 tấn công và không có dấu hiệu chấm dứt đã đặt ra cho chính quyền và người dân một thách thức mới. Đó là tìm phương cách chung sống với COVID-19, vượt lên nó mà sống trong khi chờ được tiêm vaccine toàn dân. Tránh hiện tượng "ngăn sông cấm chợ", chưa chết vì COVID-19, đã khánh kiệt vì đói nghèo. Đây cũng là kinh nghiệm mà các địa phương khi bị bùng phát dịch COVID-19 nên tham khảo.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/da-den-luc-phai-tim-cach-chung-song-vuot-len-covid-19-923898.ldo
 

Theo THANH HẢI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm