Ông Yusof nêu rõ: "Nhu cầu cấp bách hiện nay là tới Myanmar. Đó là điều tôi nghĩ đến trước tiên và tôi cần phải có một sự đảm bảo (từ chính quyền quân sự tại Myanmar)".
Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar, ông Erywan Yusof. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 4/9, đặc phái viên ASEAN về Myanmar Erywan Yusof cho biết ông sẽ tiếp tục thương lượng với các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự tại Myanmar hiện nay về một chuyến thăm tới quốc gia Đông Nam Á này cũng như khả năng tiếp cận bà Aung San Suu Kyi.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters của Anh, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei khẳng định ASEAN đã cố gắng chấm dứt tình trạng bạo lực bùng phát ở Myanmar sau quân đội lên nắm quyền ở nước này.
Các nước thành viên hiệp hội mong muốn thúc đẩy cuộc đối thoại giữa các phe phái ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Yusof nêu rõ: "Nhu cầu cấp bách hiện nay là tới Myanmar. Đó là điều tôi nghĩ đến trước tiên và tôi cần phải có một sự đảm bảo (từ chính quyền quân sự tại Myanmar)."
Trước đó, sau khi được ASEAN bổ nhiệm làm đặc phái viên ASEAN về Myanmar đầu tháng 8 vừa qua, ông Yusof cho biết ông sẽ tới thăm quốc gia Đông Nam Á này trên cương vị mới mặc dù chưa có thời gian cụ thể.
Ông nêu rõ sẽ có “các cuộc thảo luận thực chất hơn” về các vấn đề bao gồm “chấm dứt bạo lực, đối thoại và hòa giải”.
Ông nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đặc phái viên được tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên liên quan ở Myanmar nhằm đạt được tiến bộ có ý nghĩa.”
Đầu tháng 6, ông Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã tới Myanmar nhằm thảo luận về cách thức ASEAN có thể hỗ trợ Myanmar đạt được giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân thông qua việc thực hiện hiệu quả và kịp thời đồng thuận 5 điểm cũng như cách ASEAN có thể hỗ trợ tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên ở Myanmar và cung cấp hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho Myanmar.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng NLD với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử.
Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực.
Ngày 26/7 vừa qua, chính quyền quân sự đã hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng.
Theo Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)