Trong cuộc sống, mỗi chúng ta cũng từng đến các cơ quan công quyền để xử lý một số công việc và cũng đã ít nhiều buồn vui khi nhận được sự đón tiếp, nghe cách ăn nói, nhìn thái độ ứng xử của CBCCVC khi giải quyết yêu cầu của mình với tư cách một công dân. Điều dễ thấy là trong bộ máy hành chính 4 cấp của Nhà nước ta hiện nay, cấp cơ sở, xã, phường và những cơ quan, ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân là nơi dễ bị... soi nhất. Tốt-xấu, hay-dở ở cấp này thường được người dân nhìn nhận, đánh giá, thậm chí là xét nét nhất.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, công nghệ thông tin, mạng xã hội, nhất cử nhất động của đội ngũ CBCCVC đều được xã hội biết đến nhanh chóng. Tuy nhiên, thường thì lời nói, việc làm, hình ảnh của đội ngũ CBCCVC không phù hợp với những quy tắc đạo đức, ứng xử thông thường, thậm chí là trái pháp luật sẽ dễ bị săm soi, gây phản ứng nhất đối với cộng đồng.
Chẳng thế mà 5 cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phải bị kỷ luật do đánh 2 thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ; một vị phó trưởng phòng thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế buông lời thách thức người dân khi bị nhắc nhở về việc đỗ xe; một cán bộ địa chính xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cố tình gây khó dễ khi người dân đến làm các thủ tục về đất đai để vòi tiền... đã phải nhận những hình thức kỷ luật thích đáng.
Đó chỉ là một vài vụ việc điển hình cho thấy vẫn còn đó những CBCCVC đang có những hành xử vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật, khiến người dân bức xúc, làm xấu hình ảnh của đội ngũ CBCCVC, làm méo mó bản chất tốt đẹp của nền công vụ quốc gia cũng như chế độ xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhiều thế hệ đã dày công xây dựng. Đó là hậu quả của việc không biết khắc chế mình trong khuôn khổ. Ngược lại còn tự cho mình cái quyền được đứng trên người khác, ngộ nhận quyền lực được giao, mặc nhiên có những cách cư xử lệch chuẩn, không xứng với hai chữ “công bộc” mà Bác Hồ từng răn dạy đối với cán bộ.
Khi cán bộ quên đi trách nhiệm “công bộc” của mình, cũng là lúc sự tha hóa quyền lực bắt đầu. Cho nên, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, thành thục trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số... để hệ thống dịch vụ công phục vụ người dân ngày một tốt hơn thì vấn đề nhận thức, cách ứng xử và tinh thần thái độ của đội ngũ CBCCVC trong quá trình giao tiếp, giải quyết công việc với dân (đạo đức công vụ) có tác động rất lớn đến hiệu quả chương trình cải cách tổng thể nền hành chính nhà nước.
Đạo đức công vụ có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, việc ban hành Bộ Quy tắc về đạo đức công vụ là rất cần thiết để không chỉ giúp mỗi CBCCVC nhìn vào đó mà biết cách tự soi, tự sửa, làm cho mình ngày một tốt lên trong vai trò phục vụ mà còn là cơ sở để người dân giám sát và chấm điểm CBCCVC.
Thực ra, Bộ Quy tắc đưa ra lấy ý kiến lần này cũng chỉ là sự hệ thống lại một số quy định đối với CBCCVC trong một số văn bản luật và dưới luật ban hành trước đây, như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng-chống tham nhũng. Đặc biệt là Đề án thực hiện văn hóa công sở của Chính phủ ban hành năm 2018, với những yêu cầu cụ thể về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CBCCVC. Trong đó nêu rõ khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, các cán bộ, công chức cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.
Đây cũng là công cụ để người dân tham chiếu, giám sát và nâng cao nhận thức về vị trí, tâm thế “là trung tâm, là chủ thể” của quyền lực trong một nhà nước pháp quyền với một chính phủ gồm những cán bộ là “công bộc của dân” (người phục vụ) đúng nghĩa của nền hành chính hiện đại.