Tin tức

Đập Tam Hiệp nếu vỡ sẽ có sức công phá như sóng thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu vỡ đập Tam Hiệp, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc, được các chuyên gia ví như thảm họa sóng thần.

 Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Tân Hoa Xã



Trung Quốc đã phải chịu đựng những cơn mưa kỷ lục trong những tuần qua, dẫn đến trận lụt tồi tệ nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ. Ngày 26.7, sông Dương Tử bước vào đợt lũ thứ 3 trong năm, khiến mực nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp lại dâng cao.

Ngày 21.7, Tân Hoa Xã dẫn lời giới chức Tập đoàn đập Tam Hiệp - đơn vị điều hành đập Tam Hiệp - thừa nhận rằng một số cấu trúc ngoại vi nhất định của đập Tam Hiệp đã bị biến dạng do áp lực nước lũ.

Cụ thể, 2,4km đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc được ghi nhận bị “biến dạng nhẹ” vào ngày 18.7, khi nước lũ ở các tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở thượng nguồn sông Dương Tử chạm kỷ lục 61.000 mét khối/giây. Tuy nhiên, theo Tập đoàn đập Tam Hiệp, áp lực này kéo dài không lâu.

Những bức ảnh về đập Tam Hiệp xả lũ để giảm áp lực đang làm dấy lên sự hoang mang về việc liệu con đập có thể bị vỡ hay không. Thậm chí đã xuất hiện video mô phỏng hệ quả thảm khốc nếu đập Tam Hiệp vỡ.

Theo tờ Wall Street Journal, thiệt hại sẽ là rất đáng ngại, khi mà nhiều thành phố đã bị ngập lụt. Theo Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc, khoảng 40 triệu người ở 27 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi trận lụt tính đến ngày 12.7, gây thiệt hại trực tiếp hơn 80 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD) cho nền kinh tế. Khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị sập đổ, trong khi hàng triệu người phải di dời và ít nhất 141 người đã được tuyên bố là đã chết hoặc mất tích trong lũ lụt.

Tuy nhiên, tất cả những con số trên sẽ không là gì nếu vỡ đập Tam Hiệp, theo ông Michael Auslin, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover, Đại học Stanford, Mỹ.

Vỡ đập không khác thảm hoạ sóng thần

Đập Tam Hiệp được xây dựng từ năm 1994 đến 2006, với chi phí 31 tỉ USD. 1,4 triệu người phải di dời để xây dựng con đập với mục tiêu là để giảm nguy cơ lũ lụt tàn phá dọc theo sông Dương Tử - một vấn đề nan giải ở Trung Quốc kể từ thời cổ đại. Lưu vực sông Dương Tử chiếm gần một nửa sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc và con sông chạy qua các thành phố lớn như Vũ Hán, với 10 triệu dân.

Mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp có thể giữ ở mức tối đa 175 mét. Theo Ủy ban Thuỷ lợi Trường Giang (Dương Tử), mực nước hôm 24.7 tại đập là 158,85 mét, giảm từ 164 mét vào ngày 21.7.

Tuy nhiên, khi sông Dương Tử bước vào đợt lũ thứ 3 trong năm vào chiều 26.7, thì áp lực đối với đập Tam Hiệp có thể nhanh chóng gia tăng, thậm chí ảnh hưởng đến toàn vẹn cấu trúc của nó.

Mặc dù một sự cố của đập Tam Hiệp có thể không phải là mối nguy hiểm chính, tuy nhiên hậu quả địa chính trị của nó là đáng kinh ngạc để suy ngẫm. “Đó sẽ là khoảnh khắc Chernobyl của Trung Quốc” - ông Auslin viết trên tờ National Review.

Vỡ đập Tam Hiệp có sức công phá như sóng thần, đủ sức quét sạch hàng triệu mẫu đất nông nghiệp ngay trước khi đợt thu hoạch mùa thu, có thể dẫn đến tình trạng giống như nạn đói.

Vì đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, một sự cố vỡ đập sẽ dẫn đến tình trạng mất điện rất lớn.

Cũng theo ông Auslin, trung tâm sản xuất của Trung Quốc và tuyến vận chuyển đường thuỷ nội địa dọc theo sông Dương Tử sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi lũ lụt ở hạ lưu, dẫn đến sự gián đoạn kinh tế lớn ở Trung Quốc và trên thế giới.

https://laodong.vn/the-gioi/dap-tam-hiep-neu-vo-se-co-suc-cong-pha-nhu-song-than-822530.ldo
 

Theo Ngọc Vân (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm