Tin tức

Đập Tam Hiệp ngày 22.8: Trung Quốc cảnh giác cao khi dự báo có đợt mưa mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới về mực nước trong hồ chứa hôm 21.8. Lưu lượng nước vào đang giảm dần nhưng giới chức vẫn trong tình trạng cảnh giác cao.

 Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 18.8. Nguồn: The Guardian.
Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 18.8. Nguồn: The Guardian.



Dòng chảy vào đập Tam Hiệp - một trong những cơ sở kiểm soát lũ lụt lớn nhất thế giới, giảm 5% hôm 21.8, theo Nikkei.

Tuy nhiên, mực nước vào hồ chứa đập Tam Hiệp vẫn đang dâng lên bởi lượng xả lũ của đập cũng đã bị cắt giảm để hạn chế lũ lụt cho vùng hạ du.

Đợt mưa lớn mới dự báo hình thành ở lưu vực sông Dương Tử ngày 23.8 tới cũng khiến giới chức vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ với tình hình của đập Tam Hiệp.

Vào mùa đông, khi lượng mưa nhỏ, nước hồ chứa đập Tam Hiệp được phép trữ ở mức tối đa 175m để đảm bảo giao thông vận tải và phát điện hiệu quả.

Giới hạn trữ nước của đập Tam Hiệp trong mùa hè là 145m nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm soát lũ trong mùa mưa. Mực nước hiện tại ở công trình trên sông Dương Tử đang vượt xa mốc này, lên tới 166m.

Nikkei chỉ ra, gánh nặng ngày càng tăng với đập Tam Hiệp đã làm dấy lên những chia sẻ về khả năng xảy ra sự cố gây hậu quả thảm khốc.

Khi mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp dâng cao trong trận lũ lụt hồi tháng trước, đơn vị vận hành dự án đã chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu  rằng đập Tam Hiệp không có nguy cơ biến dạng hoặc vỡ.

Nếu việc đập Tam Hiệp vỡ thực sự xảy ra, trận đại hồng thủy sẽ gây ngập lụt Thượng Hải và nhiều đô thị khác của Trung Quốc, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 400 triệu người dân sống ở hạ lưu sông Dương Tử. 

Lũ lụt Trung Quốc tập trung ở miền trung và tây nam nước này trong mùa hè năm nay đã khiến hàng trăm người chết, hàng trăm triệu người phải sơ tán ngay sau khi Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn bùng phát tồi tệ đại dịch COVID-19.

Đập Tam Hiệp cao 185m, rộng 2,3km có hồ chứa nước trữ được 39,3 tỉ mét khối nước và có thể tạo ra lượng điện tương đương với 20 lò phản ứng hạt nhân tiêu chuẩn.

Công trình này, theo các nhà điều hành, là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới cũng như công trình kiểm soát lũ hàng đầu xét về công suất.

Đập Tam Hiệp được khởi công xây dựng năm 1992 và đẩy mạnh hơn từ 1994. Công trình lớn trên sông Dương Tử bắt đầu tích trữ nước và phát điện năm 2003 nhưng chỉ thực sự hoàn tất toàn bộ năm 2006. Đập Tam Hiệp bắt đầu hoạt động phát điện ở mức công suất cao nhất từ năm 2012.

https://laodong.vn/the-gioi/dap-tam-hiep-ngay-228-trung-quoc-canh-giac-cao-khi-du-bao-co-dot-mua-moi-829939.ldo
 

Theo Hải Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm