(GLO)- Hiện nay có tình trạng nhiều phụ huynh bắt con phải đi bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp này cấp kia để cha mẹ được tiếng thơm, nở mày nở mặt với dòng họ, bạn bè, đồng nghiệp. Hết học ở trường về nhà lại đi học thêm, học bồi dưỡng, đến nỗi các em không có thời gian để thở chứ chưa nói đến chơi. Nhiều em phải gồng mình với bao nhiêu sách vở, đến nỗi mắt phải tăng cường tối đa thị lực bằng 2 miếng kính. Các em đang đánh mất giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời, đó chính là tuổi thơ.
Giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền, nhiều người lớn đã thầm ước muốn “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) nhưng vé này muốn mua cũng không ai bán. Đó là ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực. Vậy mà, chính nhiều phụ huynh lại vô tình lấy đi tuổi thơ của con em mình, biến các em thành những con robot chỉ biết học và học. Các em không được chơi những trò chơi dân gian, không được hòa mình vào thiên nhiên, không tự giải thích được những hiện tượng tự nhiên đang diễn ra quanh mình. Nhiều em thiếu kỹ năng sống trầm trọng, nhất là kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, nhận diện cảm xúc… Tôi đã từng chứng kiến nhiều em khi đã bước vào đại học còn chưa biết cách nấu một món ăn đơn giản chứ đừng nói đến việc chuẩn bị hoàn chỉnh một bữa tiệc.
Ảnh minh họa. |
Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một công ty Nhật Bản tuyển chọn vị trí quản lý. Kết quả, sau vòng phỏng vấn và xem xét hồ sơ, một ứng viên tốt nghiệp bằng đỏ đã trúng tuyển. Cả gia đình, họ hàng vui mừng. Tối ấy, công ty có bữa tiệc ra mắt nhân viên mới, mọi người ai cũng vui vẻ. Sáng hôm sau, vị giám đốc gọi chàng trai lên phòng riêng và trả hồ sơ trong sự ngỡ ngàng của anh ta. Chàng trai hỏi ông giám đốc: “Tôi đã trúng tuyển, sao hôm nay ông lại trả hồ sơ cho tôi, tôi có gì không phải?”. Vị giám đốc ôn tồn bảo: “Xin lỗi! Cậu rất giỏi, nhưng đáng tiếc hôm qua đi nhà hàng, cậu thậm chí không mở lời cảm ơn cô bồi bàn”. Vậy là, anh chàng thủ khoa đã bị sa thải chỉ vì một từ “cảm ơn” người phục vụ cũng không có…
Bây giờ, nhìn các em hết học lại chơi điện tử suốt ngày, chỉ giao tiếp với… máy tính giữa bốn bức tường vô giác, tôi lại nhớ đến ngày xưa. Thế hệ 7X, 8X của chúng tôi, cứ một buổi đi học thì buổi còn lại về phụ giúp gia đình, có đứa chăn trâu, đứa cắt cỏ, chúng tôi chơi những trò chơi dân gian vui vẻ… chứ có ai đi học thêm học bớt hay bồi dưỡng gì đâu. Vậy mà, chúng tôi vẫn trưởng thành, có công việc ổn định, giúp ích cho đời...
Bản thân tôi là một phụ huynh, cũng là một người nhiều năm liền đứng trên bục giảng. Trước sự quá tải của học sinh về mặt kiến thức sách vở mà thiếu đi những kỹ năng thiết yếu của cuộc sống, tôi chỉ xin nhắn nhủ với các bậc phụ huynh một điều rằng: Hãy trả lại tuổi thơ cho các em!
TRẦN THANH CẨM