Tin tức

Đây là điều Biden làm ngay với Trung Quốc và châu Á khi lên nắm quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tân Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã thề sẽ làm cho nước Mỹ được "tôn trọng" trở lại trên toàn thế giới và các chuyên gia đã thấy trước "đường lối cứng rắn" mà ông sẽ áp đặt với Trung Quốc, theo Nikkei.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden


"Chúng tôi sẽ dẫn đầu không chỉ bằng tấm gương sức mạnh của mình mà còn bằng sức mạnh của tấm gương của chúng tôi”, ông Biden - người đã thề sẽ “khiến nước Mỹ được tôn trọng trở lại trên toàn thế giới” tuyên bố trong bài phát biểu chiến thắng đêm 7/11.

Ông Biden, người bước sang tuổi 78 vào ngày 20/11 tới sẽ là Tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ khi ông bước vào Nhà Trắng.

Ở châu Á, khi ông Biden được xướng tên là tổng thống thứ 46 của Mỹ, các nhà phân tích nhận định chiến thắng của ông Biden sẽ đánh dấu sự trở lại của các mối quan hệ dễ đoán hơn với Mỹ, dù nhiệm kỳ của ông Trump có thể sẽ để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa - đặc biệt là với Trung Quốc.

Ông Koichi Nakano, giáo sư tại Đại học Sophia của Nhật Bản cho biết: “Tôi nghĩ sẽ có một số mối quan hệ sẽ trở lại bình thường - sẽ không còn thái độ thiếu tôn trọng đối với các đồng minh và ít thù địch công khai hơn với các đối thủ”.

"Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sẽ không phải là sự trở lại nguyên trạng trước đây hoàn toàn. Ông Trump đã mở chiếc hộp Pandora, và mọi người đều biết rằng Mỹ không phải là trụ cột có vẻ ổn định và đáng tin cậy trong khu vực", ông Nakano nói thêm.

Ông Nakano cũng cho rằng, Biden sẽ không thể đơn giản hóa giải "chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương" của Trump, đồng thời ông cũng không muốn tỏ ra "mềm mỏng" với Trung Quốc.

 

Ông Biden được cho là sẽ không
Ông Biden được cho là sẽ không "mềm mỏng" với Trung Quốc.


Thực tế, trong suốt quá trình tranh cử, ông Biden đã thề sẽ khôi phục vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và không nơi nào cảm thấy bị tác động sâu sắc hơn ở châu Á.

Vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà chính quyền Barack Obama tiền nhiệm từng xem là đối trọng với sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc.

Ông Trump sau đó tiếp tục áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với "gã khổng lồ châu Á".

Các chuyên gia nhận thấy rằng, ông Biden sẽ tránh cách tiếp cận đơn phương của Trump bằng cách làm việc với các đồng minh để gây áp lực lên Trung Quốc.

“Ông Biden được dự đoán sẽ thực hiện trở lại chính sách đối ngoại đáng hoan nghênh của Mỹ ở châu Á, điều mà các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ hoan nghênh, và thậm chí cả Trung Quốc”,

 "Sẽ có sự quay trở lại chủ nghĩa đa phương và tập trung vào việc củng cố các liên minh vốn đang xích mích", ông Ankit Panda, thành viên cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace ở Washington bình luận.

Về Trung Quốc, ông Panda cho biết thế giới vẫn có thể chứng kiến một "đường lối cứng rắn" của Mỹ vì "Đảng Dân chủ đã thay đổi quan điểm của họ về Trung Quốc trong bốn năm qua."

Vị chuyên gia nhận định, tân Tổng thống Mỹ có thể "nới lỏng thuế quan với Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục các biện pháp phi thuế quan và đặc biệt tập trung vào tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ".

Hầu hết những người theo dõi bầu cử mà Nikkei Asia đã trò chuyện đều đồng ý rằng ông Biden sẽ không dễ dàng với Bắc Kinh.

Willy Lam, giáo sư trợ giảng tại Đại học Hong Kong Trung Quốc cho biết: “Không chắc ông Biden sẽ đảo ngược một số chính sách thù địch của Trump đối với Trung Quốc, mặc dù ông cho rằng Biden sẽ thích thỏa thuận với Trung Quốc hơn về các vấn đề như thương mại và biến đổi khí hậu".

Tương tự trên mặt trận công nghệ, ông Wayne Shiong, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm China Growth Capital, nhận thấy rất ít cơ hội để Mỹ trở nên "dễ dãi" hơn với các công ty Trung Quốc. Ông nói: “Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei là một sự đồng thuận của lưỡng đảng".

Theo ông Shiong dù ông Biden có thể "nhẹ nhàng hơn" ông Trump nhưng "chính sách của Mỹ với Trung Quốc về mặt này (mặt trận công nghệ) thì khá rõ ràng, bất kể tổng thống là ai".

Tuy nhiên, ông Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore, người có vẻ lạc quan hơn nhiều về sự tan băng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông dự đoán rằng "chiến tranh thương mại có thể sẽ sớm kết thúc" và các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ "không còn phải lựa chọn" giữa các siêu cường.

"Biden gần như chắc chắn sẽ thân thiện với Trung Quốc hơn nhiều so với Trump, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề kinh tế", ông Oh nói.

Về các vấn đề an ninh cấp bách khác của châu Á - từ Đài Loan đến Bán đảo Triều Tiên - các nhà phân tích dự đoán những thay đổi nhỏ sẽ khiến chính sách của Mỹ phù hợp hơn so với quá khứ.

Sean King, một học giả tại Viện Châu Á & Các vấn đề Châu Á của Đại học Notre Dame cho rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì quan hệ tốt với Đài Loan.

“Tôi không thể tưởng tượng một Tổng thống Biden lại quay lưng với Đài Loan. Dưới thời Biden, chúng ta có thể thấy quan hệ Mỹ-Đài Loan vẫn tốt đẹp", ông Sean nhấn mạnh.  

 Chuyên gia cũng cho rằng, ông Biden sẽ không làm phiền lòng Seoul và Tokyo liên quan đến việc đòi hỏi 2 nước này chia sẻ gánh nặng quốc phòng và thương mại như ông Trump.

Đưa ra quan điểm từ Hàn Quốc, nhà kinh tế Marie Kim đồng ý rằng chính quyền Biden sẽ tập trung nhiều hơn vào các đồng minh hơn là "các mối quan hệ cá nhân với các nguyên thủ quốc gia", khác với cách ông Trump làm bạn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi cho rằng sẽ không có lối thoát dễ dàng" bà Maria Kim nói.



http://https://danviet.vn/he-lo-chien-luoc-cua-biden-voi-trung-quoc-va-chau-a-ky-nguyen-nuoc-my-han-gan-20201108135949187.htm

Theo MINH NHẬT (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm