Xã hội

Gia đình

Dạy trẻ đâu chỉ là việc của giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự việc 3 giáo viên trường mầm non tư thục tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị phụ huynh tát và bắt phải quỳ gối trước cửa lớp gần đây đã gióng lên hồi chuông về sự khủng hoảng, xuống cấp trong quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, nhưng để khách quan, hãy khoan nói về nhà trường mà dành thời gian suy ngẫm về cách dạy con của nhiều phụ huynh.

 

Lập một bản so sánh nhỏ, có thể thấy sự khác biệt trong cách giáo dục con cái của các bậc phụ huynh ngày trước và hiện nay. Bạn có tự hỏi vì sao ngày xưa mình chỉ lên 5, 6 tuổi mà có thể bế em, trông em, thậm chí biết nấu cơm bằng bếp củi? Ngày ấy, thấy khách đến bạn đã biết chào khách, mời khách vào nhà, rót nước rồi đi gọi bố mẹ về. Miệng giếng ngày xưa to và nguy hiểm vậy nhưng bạn vẫn biết cách thả gàu lấy nước; bạn còn biết tự tập xe đạp, biết chăm sóc em thay mẹ, đói thì tự lấy cơm mà ăn, thức dậy tự đi học mà không khóc lóc ỉ ôi bao giờ. Về nhà, bạn tự giác học bài và soạn bài dẫu chỉ là đứa trẻ lớp 1. Vậy mà giờ đây, con bạn học hết bậc tiểu học đã biết tự làm gì cho bản thân và chăm sóc người bên cạnh? Hay vẫn đứng đợi bố mẹ tắm, thay đồ, mang giày, soạn sách vở cho; các việc cá nhân tối thiểu như đánh răng, rửa mặt cũng phải để bạn phải nhắc như nhắc đò? Nếu bạn đau, con đã biết giúp bạn nấu cơm, hay tự làm cho bạn và cho chính mình tô mì để ăn sáng?

Tôi từng lắc đầu khi nghe một chị bạn hậm hực kể chuyện cô giáo chủ nhiệm bắt con chị lau bàn sau khi ăn xong. “Mà xem, chị có nộp thiếu khoản nào đâu, tiền ăn, tiền phục vụ, tiền dạy buổi chiều, bao nhiêu là thứ tiền… Việc thuê người phục vụ để lau cái bàn sau khi ăn xong khó nhọc lắm hay sao mà cô nỡ hành con chị như vậy?”-chị kể lể.

Anh bạn tôi-một giáo viên-cũng từng ngán ngẩm về sự bất đồng trong cách giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường. Anh kể, ông bà của một cậu bé lớp 7 nọ biết cháu rất hư, rất nghịch, khó uốn nắn nên nhờ thầy chủ nhiệm can thiệp. Cực chẳng đã, anh mới phải phạt khi cậu không hoàn thành bài làm, hoặc mời ra khỏi lớp khi trêu bạn, đánh bạn. Vậy nhưng, cậu bé lại ngang ngược thách thức thầy giáo rằng “sẽ không để yên cho ai dám đụng vào cái lông chân của cậu”. Bạn sẽ làm gì nếu học sinh thách thức như vậy ngay trong lớp học? Tôi không dám chắc, và anh bạn tôi trong cơn nóng giận đã túm tai cậu học trò làm liền 3 roi vào mông. Sau đó thì mẹ cậu-một luật sư-lập tức đưa con đi giám định, đưa lên trường đòi truy tố, đòi đuổi việc… Nếu không có ông bà của cậu bé lên trường giảng hòa, chắc sự việc cũng rùm beng cả rồi.

Không phải tất cả các bậc phụ huynh đều bênh con và chiều con như vậy, nhưng có bao giờ bạn nhắc nhở con về nghĩa vụ của mình như đi học phải biết vâng lời thầy cô, biết giữ trật tự, biết chia sẻ với bạn bè, nhường nhịn em nhỏ, chào hỏi người lớn…? Mỗi một con người trong xã hội đều bị ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ. Thế nhưng, một số bậc phụ huynh chỉ dạy con về quyền lợi của mình, con đòi gì bố mẹ đáp ứng hết. Cái suy nghĩ con còn bé, cần được nuông chiều một chút cũng không sao là điểm yếu của các bậc phụ huynh này. Đến lúc con đi học, phụ huynh luôn sợ con sẽ bị bắt nạt, bị la mắng nên thay vì dạy con đến lớp phải nghe lời cô, các phụ huynh này lại dặn: “Cô làm gì con, con cứ về mách mẹ”.

Bảo bọc con là không sai bởi vì đó là đặc tính riêng của tình cảm, nhưng xã hội không chỉ có tình cảm mà còn có luật lệ và những chuẩn mực đạo đức riêng. Đừng vì suy nghĩ con tôi khác, nó nhạy cảm, nó yếu ớt... để bắt một tập thể phải đề ra quy định cho riêng con mình.

 KIM SƠN

 

Có thể bạn quan tâm