Thời sự - Bình luận

ĐBQH mua quốc tịch nước ngoài: Hãy khẳng định đó là xạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Không thể đang là công dân Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam mà lại cùng lúc sử dụng một quốc tịch khác”- khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội năm 2016. Khẳng định này loại trừ khả năng “không biết” nếu lại có một vị ĐBQH nào đó có 2 quốc tịch.
 

Trang Quochoi.org từng có bài viết phê phán: Từng là ĐBQH hai khóa liền, bà Hường là người am hiểu pháp luật hơn ai hết, vậy mà dù đang là công dân Việt Nam, đang làm việc ở Việt Nam nhưng bà lại mặc nhiên đăng ký thêm một quốc tịch ở nước ngoài... đó là điều không thể chấp nhận được.


Năm đó, dư luận ồn ào trước câu chuyện ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta.

Hôm ấy, bên lề hội nghị công tác bầu cử, báo chí đặt câu hỏi về quy trình hiệp thương giới thiệu ứng viên ĐBQH được cho là rất chặt chẽ, vậy mà vẫn lọt. Và Tổng thư ký Quốc hội cho rằng: “Chặt chẽ thì người ta cũng giấu, có nói ra đâu”.

Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Quy trình rất đúng, nhưng người ta giấu”.

Riêng với trường hợp ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường, dẫu khi đó, bà Hường đã có đơn xin rút, Tổng thư ký nói lá đơn đó cũng không đủ thông tin để khẳng định bà Hường có xác định được việc làm của mình là vi phạm quy định không. “Vì, có khi cũng có người hiểu người Việt Nam được quyền có hai quốc tịch”.

Tổng thư ký Quốc hội nói đúng quá. Không thể có một quy trình nào đủ chặt, đủ ngăn được gian dối nếu người ta thực sự cố tình muốn giấu.

Nhưng sự việc nữ ĐBQH Việt Nam có quốc tịch Malta năm ấy, cùng với phát ngôn của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã là một tiền lệ để có thể khẳng định rằng: Sau vụ việc đó, nếu có một ai đó mua quốc tịch nước ngoài, dù Malta, Síp, hay bất kể ở đâu thì cũng không thể nói là là không biết nữa, nhất là đối với một ĐBQH, vừa là đại diện cho người dân Việt Nam, vừa thuộc cơ quan lập pháp.

Bởi cũng từ năm 2016 ấy, Tổng thư ký Quốc hội đã dẫn Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam: Công dân Việt Nam chỉ một quốc tịch được Nhà nước công nhận... để khẳng định: Khi anh muốn có một quốc tịch khác, thì phải xin thôi quốc tịch Việt Nam, sau đó mới nhận quốc tịch mới.

Hôm qua, Al Jazzera, một hãng thông tấn nước ngoài, tiếp tục làm nóng dư luận Việt Nam với thông tin “mua quốc tịch Síp” của nhiều nhân vật chính trị và tội phạm truy nã với giá trị đầu tư tối thiểu là 2,5 triệu USD.

Giữa giá trị đầu tư “tối thiểu 2 triệu EURO” để có quốc tịch Malta cho đến 2,5 triệu USD tối thiểu để có passport Síp thật ra chẳng có mấy khác biệt. Là ở chỗ nếu người ta muốn giấu. Là khi người ta cố tình gian dối. Bởi không Malta thì Síp mà không Síp thì cũng chẳng biết còn ở những đâu nữa.

Nhưng chính Al Jazeera cũng đặt ra một câu hỏi: Vì sao một người đã được giao phó một vị trí ở nước họ lại muốn mua quốc tịch thứ hai. Làm sao những quan chức ấy có được đến 2,5 triệu chỉ để mua một quốc tịch?!

Thật ra, đấy cũng là câu hỏi của chúng ta, những người dân được đại diện bởi một đại biểu đi mua quốc tịch nước ngoài.

Xin ai đó hãy đứng ra khẳng định đó là tin vịt, đó là xạo.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dbqh-mua-quoc-tich-nuoc-ngoai-hay-khang-dinh-do-la-xao-830669.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm