Không có một Bí thư Tỉnh ủy như Kim Ngọc dám “giao khoán ruộng” cho nông dân có lẽ chúng ta còn lâu mới biết đến cái gọi là “khoán 10”, đất nước mới thoát khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp. Chẳng những đủ lương thực cho dân mà Việt Nam còn vươn lên xuất khẩu gạo khi tiềm năng đất đai, lao động, sự sáng tạo của nông dân được phát huy. Mặc dù lúc bấy giờ, cái giá phải trả của người đi “tiên phong” là những sóng gió, thăng trầm.
Không có bước đi mang tính “vượt rào” của những vị lãnh đạo đất nước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt thì sao chúng ta phá bỏ được những thứ rào cản đang nằm ngay trong chính bộ máy lãnh đạo; đất nước làm sao có được thành tựu rạng rỡ của sự nghiệp đổi mới gần 4 thập kỷ qua.
Các đại biểu bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Giá trị của tinh thần đổi mới là điều ai cũng thấy, cũng công nhận. Nhưng để có cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người và cơ chế khuyến khích, bảo vệ họ.
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành nghị định để thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề này là yêu cầu cấp thiết của đất nước. Nhất là trong bối cảnh thời gian qua, không ít cán bộ có tư tưởng an phận, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, trong khi sự nghiệp đổi mới đất nước luôn cần một tinh thần quyết tâm lớn, tấn công trực diện vào những biểu hiện trì trệ, những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong cơ chế chính sách nhằm tạo ra một môi trường làm việc năng động, khuyến khích sáng tạo, cống hiến của mỗi người.
Đó cũng chính là cách xây dựng đội ngũ cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc… Phải đào tạo cán bộ phụ trách có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.
Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cán bộ phải có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Trong đó có những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Nếu cán bộ có bản lĩnh, uyên thâm nghiệp vụ, làm đúng vai, thuộc bài thì không việc gì phải sợ. Đảng luôn khuyến khích những ý tưởng sáng tạo được triển khai thí điểm. Kết quả không đạt, hoặc chỉ đạt một phần, cán bộ sẽ được xem xét miễn trách nhiệm, không kỷ luật… nếu không có động cơ vụ lợi cá nhân.
Không chỉ khuyến khích, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ đang xây dựng đều nhấn mạnh đến cơ chế bảo vệ cán bộ trong diện này. Đó là đòi hỏi của thực tiễn, không chỉ giúp cán bộ năng động, đổi mới yên tâm hơn trong quá trình thực thi ý tưởng sáng tạo của mình, mà còn cho thấy Đảng ta luôn thấu tình đạt lý, luôn nhìn trước ngó sau, biết cách mở đường cho đổi mới, sáng tạo nhưng cũng có cách để cán bộ không đi chệch hướng.
Điều nhiều người băn khoăn là lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo, dám làm với cố ý làm trái, lạm dụng đổi mới để trục lợi luôn rất mong manh. Làm rõ những vấn đề này bằng văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh, cán bộ có tinh thần đổi mới sẽ mạnh dạn hơn khi hành động và sẵn sàng chịu trách nhiệm về ý tưởng của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thường nói với cán bộ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Cán bộ, đảng viên có tinh thần vì dân, vì nước phải là những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì lợi ích chung. Thể chế hóa chủ trương của Đảng là cách để Đảng gần dân, để đất nước có được đội ngũ cán bộ mang tinh thần đổi mới và khát khao cống hiến.