Thời sự - Bình luận

Để làm việc tại nhà hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để CB-CC-VC làm việc tại nhà, cần thực hiện tổng thể những yêu cầu nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả.

Một trong những nội dung của Đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 được quan tâm và bàn luận nhiều là thí điểm cơ chế cho phép cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) ở những vị trí không tiếp xúc công dân được làm việc tại nhà.

Đây là ý tưởng có tính giải phóng khá cao bởi giúp hạn chế cơ chế quản lý theo kiểu hành chính "sáng đi, chiều về" mà đôi khi không hiệu quả. Thế nhưng, cần thận trọng chuẩn bị trước khi thông qua cũng như khi đưa vào thực hiện nếu được thông qua.

Thực tế, nhiều công việc có thể làm tại nhà như xử lý số liệu, xử lý thông tin, nghiệp vụ, báo cáo, nghiên cứu hồ sơ... hoặc những việc được quản lý bằng sản phẩm mà không quản lý bằng thời gian. Làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan sẽ giúp CB-CC-VC tiết kiệm thời gian, sức lực cho việc đi lại. Môi trường làm việc tại nhà cũng có thể tạo tâm lý thoải mái hơn cho CB-CC-VC, từ đó tăng hiệu quả công việc. Về phía nền công vụ, nếu CB-CC-VC làm việc tại nhà sẽ giúp giảm gánh nặng về cơ sở vật chất và tạo ra được môi trường công vụ linh hoạt, giảm áp lực nhưng vẫn hiệu quả cao.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của đề xuất cho phép CB-CC-VC làm việc tại nhà phụ thuộc vào tình hình thực tế nền công vụ của nước ta nói chung và TP HCM nói riêng. Những vấn đề đặt ra sau đây có thể là thách thức rất lớn đối với việc phát huy tính hợp lý của đề xuất này.

Thứ nhất, để xác định tính chất của từng công việc, cần có một hệ thống công vụ được xác lập hoàn toàn theo vị trí việc làm và đã được "chạy" thông suốt, liền mạch. Hệ thống này ở TP HCM và cả nước vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế liên thông, kết nối thực sự khoa học giữa các nhóm việc làm ở nhà và giữa nhóm việc làm ở nhà với nhóm làm việc tại chỗ để tránh gián đoạn.

Thứ ba, cần có cơ chế quản lý, đánh giá hợp lý, khách quan, công bằng giữa những CB-CC-VC làm việc ở nhà và CB-CC-VC làm việc xuyên suốt tại cơ quan.

Thứ tư, rất quan trọng, là cần có cơ chế kiểm soát những nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra khi làm việc ở nhà.

Thứ năm, về kỹ thuật, các sản phẩm công vụ phải được số hóa và nền hành chính số hóa phải ở tình trạng vận hành ổn định để tất cả khâu, quy trình, hồ sơ đều có sự tích hợp liên thông, được tập trung tại các bộ cơ sở dữ liệu.

Như vậy, để CB-CC-VC làm việc tại nhà, cần thực hiện tổng thể những yêu cầu nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả. Nền công vụ nước ta nói chung và TP HCM nói riêng - dù đã có nhiều cải cách với chiều hướng tích cực - cần thêm thời gian để xây dựng, phát triển các điều kiện tương ứng với mô hình CB-CC-VC làm việc tại nhà.

Điều quan trọng hơn, nếu không có quy định cụ thể, minh bạch, hợp lý thì việc cho phép CB-CC-VC làm việc tại nhà đối với những vị trí không tiếp xúc công dân không những không phát huy hiệu quả mà còn có nguy cơ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ cơ quan, gây tác dụng ngược đối với hiệu quả công vụ.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ - Trường ĐH Luật TP HCM

https://nld.com.vn/goc-nhin/de-lam-viec-tai-nha-hieu-qua-20231105214741816.htm Xem link nguồn

Có thể bạn quan tâm